'Lãnh đạo mà sợ trách nhiệm, đùn đẩy để giữ mình thì không nên làm lãnh đạo'

10/11/2021 16:04 GMT+7

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, lãnh đạo đứng đầu mà sợ trách nhiệm , đùn đẩy, né tránh để giữ mình thì không nên làm lãnh đạo nữa. Bộ máy của Đảng, Nhà nước không nên chấp nhận những người như vậy.

Trao đổi với Thanh Niên, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhìn nhận một thực tế điển hình hiện nay: sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vẫn còn có những địa phương “tìm cách không thực hiện”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

gia hân

Lãnh đạo các địa phương cứ ngồi im, không làm gì cả chỉ để mình không bị quy trách nhiệm, bo bo giữ chiếc ghế của mình, rồi tiếp tục thực hiện khoanh vùng, bao vây, phong tỏa, cách ly như cũ, đẩy khó khăn cho người dân và làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, sản xuất.

“Có thể nói tình trạng trì trệ trong thực hiện công vụ đang phổ biến ở cả các bộ, ngành chứ không chỉ địa phương. Đây chính là hiện tượng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: trên bảo dưới không nghe, kỷ cương phép nước không nghiêm”, đại biểu Vân nói.

Sợ trách nhiệm vì năng lực hạn chế

*Theo ông thì nguyên nhân vì đâu tình trạng né tránh trách nhiệm lại trở nên phổ biến như thế?

Nguyên nhân chính là ở năng lực và nhận thức của cán bộ hiện nay, nhất là những người lãnh đạo đứng đầu. Nếu cán bộ có năng lực thực sự thì người ta sẽ dám xả thân, dám làm những gì mà pháp luật có thể chưa có quy định nhưng tốt cho lợi ích chung, tốt cho người dân. Những lãnh đạo né tránh trách nhiệm, đùn đẩy hay “mượn bàn tay tập thể” để chối bỏ trách nhiệm như hiện nay là do họ thiếu năng lực và phẩm hạnh để đảm nhiệm công việc của người lãnh đạo đứng đầu dù có thể rất đúng quy trình.

Chẳng hạn như chuyện hơn 20.000 hộp sữa mà đại biểu TP.HCM nêu hôm qua tại Quốc hội là thể hiện cho sự đùn đẩy, né tránh vì sợ trách nhiệm. Kể cả đó là việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong tình hình dịch bệnh cấp bách, đó là lô sữa ủng hộ cho trẻ em không thể để quá lâu được mà lại có văn bản đề nghị hỏi ý kiến Chính phủ thì không chỉ vô trách nhiệm mà còn là vô cảm.

Tương tự như vậy, rất nhiều bí thư, chủ tịch các tỉnh, và thậm chí là cả những thành viên Chính phủ cũng ngồi im không thực hiện nhiệm vụ chức trách của mình dù trách nhiệm đã được phân công rất rõ. Như chuyện giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đã được phân bổ, có dự án rồi nhưng vẫn đùn đẩy trách nhiệm, không ai chịu làm, khiến cho vốn đầu tư công không giải ngân được, công trình không hoàn thành. Những hậu quả của nó là không thể đo đếm được.

*Có phải thời gian vừa qua rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật đã khiến cho cán bộ thực thi công vụ, kể cả những người đứng đầu mắc phải căn bệnh “sợ trách nhiệm”?

Tôi thì cho rằng, sự sợ hãi đó đó chính là thể hiện của không có trình độ, không có năng lực. Những người sợ hãi trước lò chống tham nhũng của Đảng nóng lên là hèn kém về ý chí, vừa hạn chế về nhận thức. Vì họ không nhận thức được việc đúng đắn để làm, không nhận thức được việc thuộc trách nhiệm của họ. Tôi cho rằng, nếu sợ hãi, không dám chịu trách nhiệm thì không nên làm lãnh đạo.

Quy định đã tường minh, lộ trình đã rạch ròi, trách nhiệm đã cụ thể nhưng vẫn không làm vì sợ hãi như chuyện giải ngân vốn đầu tư công tôi nói ở trên. Vì sao lại để cho những người như thế tồn tại trên cái ghế quyền lực được. Quyền lực phải gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ phải làm. Có phải là không có quy định đâu? Có lộ trình, nguồn vốn, có bảo đảm rồi không làm, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật. Tôi cho rằng, không thể lấy việc nhiều người bị xử lý ra để làm lý do bao biện cho cho việc sợ trách nhiệm được.

*Nhưng nhiều cán bộ cũng nói rằng, không phải lúc nào các quy định cũng tường minh, ngược lại vẫn còn chồng chéo, rối rắm, sờ đâu cũng có thể thấy sai phạm?

Nếu nói rằng, pháp luật có chồng chéo thì đúng nhưng đó là tình huống khác. Ta phải đặt vấn đề rằng, tại sao cùng một mặt bằng pháp lý tỉnh này, đơn vị này, ông bộ trưởng này làm được mà tỉnh khác, đơn vị khác, ông bộ trưởng khác lại không làm được. Đó là chưa nói, những trường hợp đã được quy định tường minh, trách nhiệm cụ thể mà cũng không làm thì sao có thể lấy lý do quy định chồng chéo được?

Tôi nói ví dụ, thời gian vừa rồi, không ít địa phương ban hành các văn bản trái luật, nhưng Bộ Tư pháp hay ngay cả các cơ quan tương ứng của Quốc hội chưa hề có văn bản nào “tuýt còi”. Trong khi đó, Bộ Tư pháp chính là cơ quan canh cổng cho Chính phủ về các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là trách nhiệm, quyền hạn đều có nhưng không làm, chứ không phải là không có hành lang pháp lý. Đừng đổ lỗi cho cơ chế, vướng mắc luật pháp này khác.

Không làm thì phải kỷ luật, cách chức

*Theo ông giải pháp nào để những người lãnh đạo đứng đầu không còn ngồi im vì sợ trách nhiệm?

Tôi cho rằng mấu chốt vẫn là ở công tác cán bộ. Phải rờ đến trách nhiệm cá nhân. Quy định đã tường minh rồi, lộ trình đã rõ rồi, trách nhiệm rõ ràng rồi mà không làm thì phải kỷ luật, cách chức. Không làm gì cả nhưng có thể gây hậu quả thì cũng là phạm tội chứ đừng nghĩ không làm gì cả để trốn trách trách nhiệm.

Có làm thì có sai nhưng cái sai đó lỗi như thế nào thôi. Con người ta không phải là thánh mà không hề vi phạm cái gì cả. Cái đáng nói là họ không làm gì để giữ sự tròn trịa cho họ thì là hành vi không thể chấp nhận được.

Đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Những người chỉ lo giữ cái ghế của mình, tránh trách nhiệm đối với việc chung không chỉ bị bãi chức, cách chức mà còn bị xử lý nghiêm. Bộ máy của Đảng, nhà nước không chấp nhận những người đấy ngồi trên vị trí lãnh đạo được. Vì họ không trực tiếp vi phạm pháp luật, nhưng họ là người trì trệ, chủ trì công việc mà không làm gì là kéo lùi sự phát triển của địa phương, của đất nước.

Một ông lãnh đạo tỉnh mà cứ ngồi im không thực hiện đầu tư công đã được phân bổ vốn đã có công trình rồi mà cứ đùn đẩy trách nhiệm, khiến cho vốn đầu tư công không giải ngân được, công trình không hoàn thành thì cũng phải coi là phá hoại kinh tế, phá hoại kế hoạch của T.Ư, Quốc hội và Chính phủ và nên kỷ luật.

Bây giờ đất nước đang cần người hiền tài thực sự và người hiền tài thực sự không thiếu. Chúng ta cứ máy móc lấy quy hoạch, giới hạn tuổi đem ra để ràng buộc thì không tìm được người tài thực sự, tâm huyết thực sự.

*Vừa rồi, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, theo ông có thể giúp những người lãnh đạo có năng lực thực sự phát huy nhiều hơn không?

Kết luận 14 của Bộ Chính trị phải nói là rất kịp thời và mở đường cho xây dựng thể chế, pháp luật để khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiêm. Nó mở đường cho nhận thức mới là những gì pháp luật chưa quy định, nhưng phù hợp với lợi ích chung mang lại ý nghĩa cho cộng đồng, trong sáng, không có mục đích trục lợi, thì được khuyến khích, có kết quả thì biểu dương khen thưởng. Tuy nhiên, cần sớm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị thành pháp luật để đảm bảo cơ chế này đi vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.