Lãnh đạo NATO 'trải lòng' về tương lai xung đột Ukraine

10/05/2023 14:57 GMT+7

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nêu những nhiệm vụ của liên minh nhằm hỗ trợ Ukraine kết thúc xung đột.

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã kéo dài gần 15 tháng, trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Post ngày 9.5, Tổng thư ký Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã chia sẻ quan điểm về tương lai của cuộc chiến.

Xung đột đã thay đổi NATO như thế nào?

Theo tổng thư ký NATO, về cơ bản, xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi liên minh. Ông nói rằng cuộc chiến không bắt đầu vào năm 2022 mà là từ 2014, thời điểm Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea. Kể từ đó, NATO đã tăng cường hệ thống phòng thủ tập thể và lần đầu triển khai quân đội sẵn sàng chiến đấu ở phía đông, các nhóm chiến đấu ở Ba Lan, Lithuania, các nước Baltic khác. 

Lãnh đạo NATO 'trải lòng' về tương lai xung đột Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức ngày 21.4

REUTERS

Năm 2014 cũng đánh dấu lần đầu tiên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, cũng như hiện đại hóa cơ cấu và tăng cường tập trận. Theo ông Stoltenberg, về tổng thể, đây là sự chuyển đổi lớn của NATO.

Ông cho biết tổng cộng các đồng minh NATO, trên khắp châu Âu và Canada, đã bổ sung 350 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng kể từ năm 2014, một con số đáng kể. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thành viên đạt được mục tiêu dành 2% ngân sách cho hoạt động quốc phòng.

Lãnh đạo NATO 'trải lòng' về tương lai xung đột Ukraine

Triển vọng Ukraine gia nhập NATO

Khi được hỏi liệu NATO có kết nạp Ukraine hay không, ông Stoltenberg nói rằng tất cả đồng minh đều đồng ý rằng Ukraine có quyền lựa chọn con đường của riêng mình, và rằng điều đó do chính Kyiv, chứ không phải Moscow, quyết định.

Theo ông, nhiệm vụ quan trọng lúc này NATO có thể làm là hỗ trợ Ukraine chuyển đổi từ các thiết bị, học thuyết và tiêu chuẩn thời Liên Xô sang các học thuyết và tiêu chuẩn của NATO. Đồng thời, ông cũng cho biết liên minh đang nỗ lực để đảm bảo Ukraine chiếm ưu thế trước Nga, bởi nếu Kyiv không thắng thế thì "không có vấn đề gì để thảo luận cả".

Lãnh đạo NATO 'trải lòng' về tương lai xung đột Ukraine - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 110 chuẩn bị khai hỏa lựu pháo tự hành "Dana" ở TP. Avdiivka (tỉnh Donetsk) ngày 9.5

REUTERS

Về tài liệu cho rằng tình báo Mỹ không lạc quan về khả năng Ukraine giành lại lãnh thổ sau đợt phản công sắp tới, ông Stoltenberg nói rằng các thông tin như vậy có thể đã bị thao túng và không chính xác.

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể khôi phục lãnh thổ, bởi vì NATO đã viện trợ Ukraine một đợt cung cấp vũ khí, đạn dược mới, trong đó bao gồm 230 xe tăng chiến đấu, thiết giáp hạng nặng. Và rất nhiều hệ thống vũ khí hiện đại. Theo ông, trong mùa đông, các đồng minh và đối tác của NATO đã huấn luyện hơn 9 lữ đoàn của Ukraine, và đó là sức mạnh chiến đấu đáng kể.

Đụng độ Su-35 Nga, không quân NATO phải tăng mức sẵn sàng ở biển Đen

Lạc quan về sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine

Tổng thư ký NATO cũng tỏ ra lạc quan về sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine. 

Trước hoài nghi cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang giảm dần, ông Stoltenberg nói ông hoàn toàn tin tưởng rằng sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng dành cho Kyiv vẫn còn. Theo ông, việc hỗ trợ Ukraine là một phần trong lợi ích an ninh của Mỹ, nhất là khi các thách thức từ Trung Quốc đang tăng dần.

Khi được hỏi liệu viễn cảnh cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử năm 2024 sẽ có ý nghĩa gì đối với lãnh đạo Mỹ hoặc NATO, ông Stoltenberg nói dưới thời ông Trump, các thành viên liên minh đã có 1 số bất đồng về các vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, liên minh có thể làm được nhiều việc hơn cùng nhau và họ luôn có thể đoàn kết xung quanh các giá trị cốt lõi.

Vùng ly khai Moldova muốn Nga tăng quân số lực lượng ‘gìn giữ hòa bình’

Cẩn trọng trước viễn cảnh đối đầu trực diện với Nga

Ông Stoltenberg cũng được hỏi rằng liệu cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng như cáp ngầm của các thành viên NATO có khiến liên minh viện dẫn Điều 5 (nêu rõ cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên được coi là hành động chống lại tất cả các thành viên NATO) hay không.

Trước câu hỏi này, ông Stoltenberg nói "điều đó do NATO quyết định". Ông cho biết liên minh đang tìm cách chia sẻ thông tin tình báo một cách hiệu quả hơn để phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn. Liên minh cũng tăng cường hiện diện của quân đội, như một cách để vừa răn đe vừa giám sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.