Lấy ảnh từ Facebook, Zalo thật để tạo Facebook, Zalo giả lừa đảo
Theo UBND tỉnh An Giang, gần đây, thông qua mạng xã hội Facebook, một số đối tượng đã vào trang Facebook cá nhân (tài khoản thật) của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có cả lãnh đạo nhiều sở, ngành để lấy hình ảnh các nhân của họ. Sau đó, tạo lập một tài khoản Facebook khác (tài khoản giả) với tên tương tự và sử dụng hình ảnh vừa lấy được làm ảnh đại diện, kết bạn với nhiều người trong danh sách bạn bè của tài khoản thật. Từ đây, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.
Zalo cá nhân của một lãnh đạo Sở Y tế An Giang bị giả mạo để lừa đảo, mượn tiền được người quen của ông thông tin cho mọi người cùng cảnh giác |
TRẦN NGỌC |
Qua tìm hiểu, PV Thanh Niên được biết lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh An Giang như Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Nội vụ... bị các đối tượng lừa đảo dùng hình ảnh cá nhân để tạo lập một tài khoản Facebook hoặc Zalo có tên tương tự tên của họ để nhắn tin hỏi thăm một số người quen, bạn bè của những người này nhằm tạo lòng tin để lừa đảo, mượn tiền.
Điển hình, khoảng đầu tháng 3.2022, một lãnh đạo Sở Y tế An Giang bị đối tượng xấu dùng hình ảnh trên avatar Zalo cá nhân để tạo một tài khoản Zalo có tên tương tự như tên ông để nhắn tin mượn tiền của những người quen, bạn bè của ông.
Để lừa đảo, đối tượng sử dụng tên zalo giả danh lãnh đạo Sở Y tế An Giang nhắn tin với người quen của ông rằng, công ty giải gia đình ông cần gấp 1 số vốn lưu động để quay vòng. Tuy nhiên, do bận họp nên không xử lý kịp nhờ họ cho mượn 500 triệu đồng chuyển vào tài khoản của một người lạ vì cá nhân nhận “không tiện”. Hứa sau cuộc họp sẽ chuyển trả lại.
Nhờ cảnh giác, người được mượn tiền liên hệ lại lãnh đạo Sở Y tế An Giang và biết sự việc trên chỉ là lừa đảo vì thế không bị mất tiền.
Sau sự việc nhiều người quen của lãnh đạo Sở Y tế An Giang đăng thông tin trên mạng xã hội cho nhiều người cảnh giác. Vị lãnh đạo Sở Y tế An Giang bị đối tượng xấu dùng hình ảnh cá nhân để lừa đảo xác nhận có xảy ra sự việc trên. Cá nhân ông sau đó đã nhanh chóng thay đổi hình ảnh trên avatar Zalo cá nhân và thông tin đến người thân, bạn bè nhằm tránh bị lừa đảo.
Ngoài ra, tại An Giang đối tượng lừa đảo còn lấy thông tin và hình ảnh trên Zalo, Facebook cá nhân của một số cán bộ hưu trí để tạo tài khoản giả Zalo, Facebook mới của họ để lừa đảo.
Cụ thể như Zalo của ông T., nguyên là giám đốc tại một đơn vị trực thuộc Sở Tài chính An Giang đã bị đối tượng lừa đảo nhắm đến. Sau khi lấy thông tin Zalo và hình ảnh của người này để tạo Zalo giả, đã nhắn tin mượn tiền của nhiều người với số tiền từ vài triệu đến này hàng chục triệu đồng và nhiều người đã “dính bẫy” lừa đảo.
Zalo của ông T, nguyên giám đốc một đơn vị trực thuộc Sở Tài chính tỉnh An Giang bị giả mạo và nhắn tin mượn tiền người quen. Sau đó, ông T. cho biết Zalo bị hack để lừa đảo |
TRẦN NGỌC |
Sau khi biết được sự việc, ông T. đã xác nhận lại tài khoản Zalo cá nhân bị kẻ xấu kiểm soát, bản thân ông không có yêu cầu chuyển tiền. Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp cá nhân là cán bộ lãnh đạo sở, ngành hoặc cán bộ hưu trí tại An Giang bị các đối tượng giả mạo tài khoản Facebook, chiếm quyền sử dụng Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhờ được phát hiện và xử lý kịp thời nên kịp thời thông báo cho nhiều người cảnh giác và tránh bị lừa mất tiền bạc, tài sản.
Thủ đoạn tinh vi
Theo ngành chức năng tỉnh An Giang, thủ đoạn của các đối tượng giả mạo tài khoản Facebook, chiếm quyền sử dụng Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sẽ nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn được để mượn số tiền lớn và yêu cầu gửi tiền vào số tài khoản ngân hàng của một người khác đứng tên chủ tài khoản.
Hoặc đối tượng yêu cầu người được kết bạn bình chọn cuộc thi vẽ cho học sinh bằng cách nhấn vào một đường link (chưa rõ) và nhập số điện thoại có sử dụng Zalo vào trang web. Sau khi có được số điện thoại, đối tượng yêu cầu những người này cung cấp mã số gồm 6 số được gửi qua tin nhắn sim điện thoại. Tuy nhiên, thực chất đây là mã xác thực để kích hoạt, đăng nhập tài khoản Zalo và tắt điện thoại trong 30 phút để hoàn tất việc bình chọn.
Do tin tưởng chủ tài khoản Facebook đang yêu cầu là tài khoản thật nên nhiều người đã làm theo và bị đối tượng đăng nhập chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo của mình. Khi đã chiếm được quyền sử dụng Zalo, đối tượng nhắn tin với nhiều người trong danh sách bạn bè Zalo để nói chuyện hỏi thăm và yêu cầu chuyển tiền cho mượn kèm theo tên chủ tài khoản và số tài khoản ngân hàng của một người khác.
Chủ tịch tỉnh An Giang yêu cầu cán bộ, viên chức cảnh giác
Để tránh tình trạng lừa đảo bằng hình thức giả mạo tài khoản Zalo, Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân đối với loại tội phạm này.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký công văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn nêu cao cảnh giác tình trạng giả mạo Facebook, Zalo lãnh đạo sở, ngành và người dân của tỉnh lừa đảo |
TRẦN NGỌC |
Các biện pháp phòng tránh cụ thể như: không truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc, địa chỉ, không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản cá nhân, xác nhận lại thông tin trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân (hình ảnh, giấy tờ tùy thân…) khi sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để không trở thành nạn nhân của tội phạm mạng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Công an tỉnh là cơ quan thường trực hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý các vụ việc và hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
Bình luận (0)