Lãnh đạo Syria không bắt tay nữ ngoại trưởng Đức, ngoại trưởng Pháp nói gì?

06/01/2025 11:15 GMT+7

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot lên tiếng về việc nhà lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa không bắt tay khi tiếp nữ Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

Lãnh đạo Syria không bắt tay nữ ngoại trưởng Đức, ngoại trưởng Pháp nói gì?- Ảnh 1.

Ông al-Sharaa (phải) tiếp ông Barrot và bà Baerbock tại Damascus hôm 3.1

ẢNH: REUTERS

Hãng AFP ngày 5.1 dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết ông muốn nhà lãnh đạo mới của Syria là ông Ahmed al-Sharaa bắt tay nữ Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong chuyến thăm Damascus hồi tuần trước, dù nhấn mạnh rằng đó không phải là mục đích của chuyến công du.

Ông Barrot và Baerbock hôm 3.1 đã trở thành những nhân vật phương Tây cấp cao nhất đến thăm thủ đô Syria kể từ khi lực lượng quân sự đối lập lãnh đạo lật đổ nhà cầm quyền lâu năm Bashar al-Assad vào tháng trước.

Nhưng cuộc gặp gỡ của họ với ông al-Sharaa đã gây nhiều tranh cãi bởi việc nhà lãnh đạo Hồi giáo này bắt tay ông Barrot nhưng không bắt tay bà Baerbock. Thay vào đó, ông al-Sharaa đặt tay lên ngực mình để chào bà.

Theo trang The New Arab, ban đầu ông Barrot cũng đặt tay lên ngực mình, nhưng sau đó bắt tay khi ông al-Sharaa chìa tay ra.

Tình báo Ukraine: Nga đang dời thiết bị quân sự từ Syria chuyển đến Libya

Một số quan niệm nghiêm ngặt của đạo Hồi cấm mọi tiếp xúc thân thể giữa những người khác giới nếu họ không kết hôn hoặc không có quan hệ họ hàng gần.

Diễn biến trên đã vấp phải phản ứng của một số cư dân mạng khi bày tỏ lo ngại về những quy định trong tương lai của Syria, trong khi những người khác lại cho rằng ông al-Sharaa được tự do lựa chọn có bắt tay phụ nữ hay không, và việc không bắt tay không phải là hành động thiếu tôn trọng.

"Tôi có mong muốn ông Ahmed al-Sharaa bắt tay người đồng nghiệp người Đức của tôi không? Câu trả lời là có. Đó có phải là mục đích của chuyến đi này không? Câu trả lời là không", Ngoại trưởng Barrot chia sẻ sau chuyến thăm.

Ông chỉ ra những vấn đề bao gồm số phận của hàng chục ngàn thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị giam giữ ở Syria và nguy cơ phổ biến kho vũ khí hóa học của ông al-Assad.

"Nếu tôi không đến Syria, ai sẽ bảo vệ người Pháp trước những mối đe dọa này, trước sự an toàn của họ?" ông hỏi.

"Chúng tôi đang nói chuyện với các nhà chức trách chuyển tiếp để đưa ra cho họ những thông điệp rất rõ ràng và rất chắc chắn về kỳ vọng của chúng tôi về mặt chuyển tiếp chính trị để Syria có thể phục hồi", theo nhà ngoại giao.

Sau một thập niên Iran và Nga đã hỗ trợ chế độ của ông al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria, Ngoại trưởng Barrot cho rằng điều quan trọng là không có thế lực nước ngoài nào lợi dụng sự thay đổi chế độ để làm suy yếu Syria. "Tương lai của Syria thuộc về người Syria", ông nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.