Theo Bloomberg, cuối tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết “dự báo khả quan nhất” là giá tiêu dùng sẽ sớm tăng lên sau thời kỳ bình ổn đáng kinh ngạc. Đây cũng là dự báo được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney đưa ra.
Lạm phát là vấn đề nóng tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi các nhà hoạch định chính sách vừa hoan nghênh đợt phát triển kinh tế toàn cầu đồng bộ nhất, tốt nhất trong một thập niên. Dù vậy, họ cũng lưu ý tình hình lạm phát và giá tài sản.
Cố vấn kinh tế toàn cầu Joachim Fels tại Pacific Investment Management cho hay: “Nỗi sợ thống trị hầu hết các buổi họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên dường như đã bốc hơi”.
Giới lãnh đạo ngân hàng trung ương cũng cho biết hoạt động kinh doanh bình thường cuối cùng cũng sẽ khôi phục vì họ tin rằng việc nhu cầu cải thiện sẽ khiến lạm phát tăng với tốc độ nhanh hơn. Số liệu lạm phát ở Mỹ trong tháng 8 là 1,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Fed. Hiện nhiều chuyên gia nhận định có 74% khả năng Mỹ sẽ nâng lãi suất một lần nữa vào tháng 12 sắp tới. Lần cuối cùng Fed nâng lãi suất là tháng 6 năm nay.
Mỹ có thể sẽ sớm theo chân ECB và BOE trong việc giảm kích thích tài chính. Draghi cho hay ông tự tin rằng lạm phát sẽ sớm tăng từ mức 1,5% trong tháng 9. Giới chức ECB đang chuẩn bị cho cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 26.10, nơi họ sẽ phác thảo kế hoạch mua trái phiếu từ cuối năm nay.
Với BOE, Thống đốc Carney cho biết ông có thể sẽ phải tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục trong vài tháng tới vì nền kinh tế Anh đang dần cạn năng lực dự trữ. Không như nhiều đồng nghiệp, ông Carney phải đối mặt với tình hình lạm phát đã vượt quá mức mục tiêu vì bảng Anh và tiềm năng tăng trưởng của nước này đều yếu sau quyết định rời Liên minh châu Âu (EU).
Song ngược lại với Anh, Mỹ và EU, Nhật Bản đơn độc trên con đường nới lỏng tiền tệ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho hay: “Đạt mục tiêu ổn định giá cả ở mức 2% là chặng đường dài và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ”.
Giới chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng JPMorgan Chase nhận định lạm phát toàn cầu sẽ đạt gần 3% trong quý 4/2017, mức cao nhất trong hơn sáu năm. Dù lạm phát ì ạch, giá tài sản thế giới vẫn tăng cao. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI World tuần trước chạm mốc kỷ lục, tăng 16% từ đầu năm đến nay.
tin liên quan
Lạm phát Nhật Bản không tăng vì 'nặng gánh' an sinh xã hộiKhoản đóng góp bắt buộc vào chương trình bảo hiểm xã hội dành cho nhân viên của các doanh nghiệp đang ngày càng tăng ở Nhật Bản, xét theo cả khía cạnh danh nghĩa lẫn tỷ lệ phần trăm sản lượng kinh tế.
Bình luận (0)