Sáng 25.7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê.
Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã lắng nghe các câu hỏi của phóng viên và giải đáp một số biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề được dư luận quan tâm.
Tính từ ngày 31.5 đến nay, TP.HCM đã qua 55 ngày giãn cách theo các cấp độ khác nhau, Chỉ thị 15 (từ 31.5), Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (từ 19.6) và Chỉ thị 16 từ 9.7. Hiện TP.HCM tiếp tục Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt, nâng cao hơn trong bối cảnh dịch covid vẫn chưa dừng lại và tiếp tục phức tạp.
Ông Mãi đánh giá bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng virus Delta chuyển biến nhanh và khó lường, còn có nguyên nhân chủ quan là nhiều địa bàn, địa phương chưa thực hiện nghiêm, chưa thực hiện tốt các biện pháp chống dịch. Sự chủ quan này đến từ cả 2 phía gồm lực lượng chức năng và người dân.
|
“Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc, không phải để xác định trách nhiệm, mà cần nhận thức rằng đây là điều nguy hiểm và nếu không làm tốt hơn thì dịch bệnh sẽ tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn”, ông Mãi nói và đề nghị các cấp, các ngành và người dân nghiêm túc thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhìn nhận 55 ngày qua, lực lượng chống dịch đã căng mình, người dân chịu đựng nhiều đồng thời kêu gọi sự chung sức, đồng lòng để sớm kết thúc giai đoạn khó khăn này.
Sẽ có quy định về đối tượng, thời gian ra ngoài đường
Sau 1 tuần triển khai Chỉ thị 16, lãnh đạo TP.HCM đề ra 3 tình huống. Tình huống thứ nhất, TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 và xem xét việc giảm mức độ giãn cách. Tình huống thứ 2 là TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn. Tình huống thứ 3 là xấu nhất mà không ai mong muốn đó là dịch gia tăng mạnh mẽ và mất kiểm soát.
Thực tế hiện nay TP.HCM đang ở tình huống 2, là dịch phức tạp nên cần thực hiện Chỉ thị 16 với biện pháp tăng cường và nâng cao. Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đề nghị thực hiện triệt để giãn cách, người dân nên ở nhà, không ra đường, những trường hợp cần thiết thì cụ thể, hạn chế.
|
Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ tăng cường công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở tuần tra, kiểm soát để từng địa bàn kiểm soát nghiêm, với tinh thần “nhà nào ở nhà đó”, hạn chế tối thiểu ra đường.
“TP.HCM sẽ có quy định tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển. Trong ngày nay hoặc ngày mai, TP.HCM sẽ văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ngoài đường. Cũng có thể giới hạn ở một số khung giờ nào đó, như sau 18 giờ thì một số đối tượng, nhiệm vụ bị hạn chế”, ông Mãi nói.
Khi việc di chuyển bị hạn chế, TP.HCM sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, xử lý tốt hơn các tình huống y tế, khẩn cấp khác mà người dân có nhu cầu trong thời gian giãn cách.
Ông Mãi nói TP.HCM sẽ quyết tâm, thực hiện triệt để các biện pháp với mục tiêu 1-2 tuần kiểm soát được dịch bệnh, thước đo là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Khi đó, TP.HCM sẽ công bố kết thúc giãn cách hoặc các biện pháp tiếp theo. Đáng chú ý, TP.HCM cũng chuẩn bị đến tình huống xấu hơn, không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng cần chuẩn bị tâm thế đó.
Chuyển hướng sang tập trung điều trị, giảm tử vong
Cũng tại buổi họp báo, Phó bí thư Phan Văn Mãi khẳng định chiến lược của TP.HCM đang chuyển dần sang điều trị, đây là nhiệm vụ chính, cần tập trung nguồn lực, tổ chức khoa học để điều trị hiệu quả với mục tiêu giảm tử vong.
Hiện ngành y tế TP.HCM đã phân tầng điều trị, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cơ chế phối hợp theo từng tầng. Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp huy động nguồn lực xã hội, y tế tư nhân tham gia, phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng tham gia vào từng tầng điều trị cụ thể.
Lãnh đạo TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua có tình trạng người dân cần trợ giúp về y tế nhưng không được đáp ứng kịp thời, nguyên nhân đến từ sự quá tải của cơ sở tiếp nhận tuyến huyện và bệnh viện điều trị; mặt khác do cơ chế điều phối, điều trị.
|
Để giải quyết bài toán trên, TP.HCM rà soát, mở rộng năng lực tiếp nhận, điều trị các bệnh viện quận, huyện và thành phố; chuyển một số bệnh viện dã chiến sang tăng cường chức năng điều trị, nâng cấp nhân lực, bổ sung trang thiết bị để chuyển thành bệnh viện điều trị. TP.HCM cũng triển khai thêm các cơ sở bệnh viện dã chiến chuẩn bị cho tình huống số bệnh nhân tăng cao.
Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan Trung ương và tỉnh thành bạn, TP.HCM chủ động thực hiện phương châm “5 tại chỗ”, huy động tối đa nguồn lực của thành phố, điều phối khoa học, sử dụng hiệu quả.
Bình luận (0)