Trả lời PV Thanh Niên hôm qua 17.7, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận “Chưa lường trước được việc cho cán bộ đi nước ngoài trong bối cảnh này là nhạy cảm. Nếu lường trước được thì đã không cử anh em đi”.
Ngày 16.7, đoàn cán bộ khoảng 10 người của tỉnh Bình Thuận dự kiến lên đường sang Cộng hòa liên bang Đức để tham quan, "tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển" (kéo dài đến ngày 31.7).
tin liên quan
Đề xuất cấm cán bộ đi nước ngoài từ tiền DN tài trợTỉnh đi đức, thành phố đi nhật
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài việc đài thọ cho các đoàn cán bộ (khoảng 20 người) sang Đức để tham quan và “tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển”, Công ty Trường Phúc Hải còn chi tiền đưa một đoàn cán bộ chủ chốt của TP.Phan Thiết sang Nhật Bản để “tiếp cận hạ tầng đô thị”.
Trả lời PV Thanh Niên, Bí thư Thành ủy Phan Thiết Nguyễn Thu Sơn cho biết chuyến đi của đoàn cán bộ Phan Thiết diễn ra cách đây gần 2 tháng, do một phó chủ tịch dẫn đầu. Trong đoàn còn có cả Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (liên quan trực tiếp đến dự án Hamubay). “Đoàn cán bộ này chủ yếu cấp phòng thôi, mấy ông bà này hồi giờ có được đi đâu đâu. Có một, hai ông thường vụ, nhưng mà cấp trưởng ban của Đảng thôi, giống như thường vụ cấp huyện, cấp xã thôi. Đoàn của tỉnh mới có nhiều thường vụ”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, nói về chuyến tài trợ cho cán bộ đi Đức, trong đó có một số lãnh đạo ban ngành đang trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án của Công ty Trường Phúc Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận với PV Thanh Niên: “Chưa lường trước được việc cho cán bộ đi nước ngoài trong bối cảnh này là nhạy cảm. Nếu lường trước được thì đã không cử anh em đi”. Theo ông Hùng, 2 ngày qua ông có theo dõi thông tin về việc cán bộ tỉnh đi Đức tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng ven biển. “Tôi thấy báo chí viết như thế là đúng, nên tiếp thu. Trên cơ sở đó mình nên dừng lại cái quyết định này, không cử cán bộ đi nữa. Chiều 16.7, tôi có trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Hai (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - PV) dừng lại quyết định này. Tỉnh ủy không phải lúc nào cũng nắm được thông tin. Sở dĩ Tỉnh ủy đồng ý cho cán bộ sang Đức là để anh em biết chương trình như thế nào (việc xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển - PV), chứ nhiều cái nói mà không biết nó như thế nào”, ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lại ký cho cán bộ đi nước ngoài vào đúng ngày 11.6 - thời điểm xảy ra những vụ gây rối trên địa bàn, ông Hùng cho rằng chủ trương cho cán bộ trong đoàn này sang Đức có từ trước. “Tôi có nghe anh Hai báo cáo là từ cuối tháng 5, và sau này đưa ra tập thể Thường trực báo cáo là đầu tháng 6”, ông Hùng thông tin.
Doanh nghiệp sai phạm gì?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tiến độ dự án Hamubay theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (số 1943, ngày 10.7.2017) của UBND tỉnh Bình Thuận là cuối tháng 12.2017
san lấp xong 14 ha lấn biển phía đông nam; tháng 12.2018 tiến hành xong đền bù giải tỏa. Từ tháng 3.2018 - 3.2019, dự án di dời hàng ngàn ngôi mộ, di dời dân và xây khu tái định cư rộng 15 ha cho dự án...
Có mặt tại khu dự án hôm qua 17.7, PV nhận thấy phía đông nam (khu mặt nước rộng khoảng 14 ha), chủ dự án chỉ mới bơm cát biển và lấp được diện tích khoảng 1,5 ha. Thế nhưng từ trước đó Công ty Trường Phúc Hải đã ký hợp đồng với một công ty bất động sản ở Đà Nẵng phát triển dự án và công khai bán đất nền trên giấy (14 triệu đồng/m2), khiến người dân trong diện giải tỏa rất bức xúc. Sau khi báo chí phản ánh, ngày 15.5.2018, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở KH-ĐT phối hợp các sở ngành liên quan cùng UBND TP.Phan Thiết kiểm tra dự án.
Trả lời PV Thanh Niên sáng 17.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã “cảm ơn báo chí phản ánh đúng tình hình về dự án này”. Theo ông Hai, dự án bố trí sắp xếp lại dân cư ven biển ở P.Đức Long (TP.Phan Thiết) đã có từ lâu. “Tuy nhiên, tới bây giờ dự án mới chỉ được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư (số 1017 ngày 17.4.2017). Sau cái này còn phải có quy hoạch tỷ lệ 1/500, tiếp nữa phải thiết kế cơ sở hạ tầng. Hiện dự án vẫn chưa ký quỹ, chưa hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường, chưa làm giá đất... Quan trọng nhất phải có phương án bố trí tái định cư cho dân, bởi đây là dự án chỉnh trang đô thị. Báo chí phản ánh như thế, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải vào cuộc xem thế nào, liệu có dấu hiệu lừa đảo hay không. Nếu có chuyện này thì phải chấn chỉnh”, ông Hai nói.
Cũng theo ông Hai, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT rà soát lại nhưng đến nay vẫn chưa báo cáo. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Giám đốc Sở KH-ĐT cung cấp thông tin chi tiết hơn về dự án này cho PV Thanh Niên”, ông Hai nói.
Liên tục đòi tiền ký quỹ
Ngày 26.6.2017, Sở KH-ĐT Bình Thuận có công văn yêu cầu Công ty Trường Phúc Hải ký quỹ 22 tỉ đồng trước ngày 20.7.2017 để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trước thời điểm giao đất, thuê đất theo điều 27 Nghị định 118/2015 ngày 12.11.2015 của Chính phủ. Do Trường Phúc Hải không thực hiện, ngày 27.11.2017, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu ký quỹ để thực hiện thủ tục giao đất cho dự án. Tuy nhiên, đến ngày 6.12.2017, Công ty Trường Phúc Hải có văn bản gửi Sở KH-ĐT kiến nghị được ký quỹ 50% sau khi được giao 26,9 ha đất không vướng đền bù (loại đất thuộc mặt nước ven biển do UBND P.Đức Long và xã Tiến Thành quản lý) và ký quỹ phần còn lại sau khi thực hiện xong việc đền bù 95,9 ha. Đến ngày 27.2.2018, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao 26,9 ha cho Trường Phúc Hải để thực hiện dự án.
|
Bình luận (0)