Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với 6 cường quốc (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức, còn gọi là nhóm P5+1), đã bị đình trệ kể từ tháng 9.2022, với việc cả hai bên cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu vô lý.
Phát biểu của Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei xuất hiện vài ngày sau khi cả Tehran và Washington phủ nhận thông tin rằng họ đang tiến gần đến một thỏa thuận tạm thời, theo đó Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
"Không có gì sai trái về thỏa thuận (với phương Tây), nhưng không ai được phép động đến cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực hạt nhân của chúng ta", truyền thông nhà nước Iran dẫn lời ông Khamenei nói ngày 11.6, theo Reuters.
Iran ra mắt tên lửa đạn đạo bội siêu thanh nội địa đầu tiên
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận cụ thể về phát biểu của ông Khamenei, nhắc lại lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng Washinghton "cam kết không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân". "Chúng tôi tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó trên cơ sở lâu dài và có thể kiểm chứng, nhưng tổng thống cũng đã nói rõ rằng chúng tôi không loại bỏ bất kỳ phương án nào khỏi bàn đàm phán", người phát ngôn nói, ám chỉ đến khả năng hành động quân sự.
Thỏa thuận năm 2015 đã hạn chế hoạt động làm giàu uranium của Iran để khiến Tehran khó phát triển vũ khí hạt nhân hơn, đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế mà nước này bị áp đặt.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, khiến Tehran từng bước xóa bỏ các hạn chế mà họ phải chịu theo thỏa thuận. Trong bối cảnh đó, Mỹ, châu Âu và Israel lo sợ rằng Iran có thể tìm cách chế tạo bom nguyên tử.
Nhắc lại lập trường chính thức của Iran trong nhiều năm, ông Khamenei cho biết Tehran chưa bao giờ tìm cách chế tạo bom hạt nhân.
"Những cáo buộc về việc Tehran tìm kiếm vũ khí hạt nhân là dối trá và họ biết điều đó. Chúng tôi không muốn vũ khí hạt nhân vì đức tin tôn giáo của chúng tôi. Nếu ngược lại, họ (phương Tây) sẽ không thể ngăn chặn điều đó", ông Khamenei nói.
Ông Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về tất cả các vấn đề nhà nước, cho biết các cơ quan hạt nhân của Iran nên tiếp tục làm việc với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông Khamenei kêu gọi các nhà chức trách Iran không nhượng bộ trước những yêu cầu mà ông cho là "quá đáng và sai trái" của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng thời cho biết một đạo luật được quốc hội Iran thông qua vào năm 2020 phải được tôn trọng.
Theo luật này, Tehran sẽ đình chỉ các cuộc thanh tra của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của mình và tăng cường làm giàu uranium nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ.
Tháng trước, IAEA đã báo cáo về sự tiến triển chậm trong các vấn đề tranh chấp với Iran, bao gồm việc lắp đặt lại một số thiết bị giám sát ban đầu được triển khai theo thỏa thuận năm 2015. Tehran đã ra lệnh tháo dỡ các thiết bị này vào năm ngoái.
Bình luận (0)