Lãnh đạo UBND TP.HCM nói gì về việc Trường Việt Úc ngưng tiếp nhận học sinh?

11/07/2020 12:28 GMT+7

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, về giáo dục , Trường Việt Úc (VAS) dừng tiếp nhận 40 học sinh vừa qua là dở. Nhưng xét về giao dịch dân sự thì phải tính cả quá trình.

Liên quan đến vụ Trường Việt Úc (VAS) dừng tiếp nhận 40 học sinh, ngày 10.7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu quan điểm của mình về chuyện này. 
Theo ông Đức, khi phụ huynh cho con học tại VAS là có đăng ký một hợp đồng kèm theo những điều kiện ràng buộc. Hợp đồng này trở thành thoả thuận dân sự. Khi Sở GD-ĐT TP.HCM rà soát lại thì trường nói vì một bên vi phạm hợp đồng nên có quyền huỷ hợp đồng. Giám đốc Sở GD-ĐT có giải trình với Uỷ ban như vậy và UBND TP.HCM đang đề nghị Sở tập hợp tất cả hồ sơ để xem xét. 
Theo ông Đức, lẽ tất nhiên là TP.HCM muốn bảo vệ quyền lợi cho học sinh. Về giáo dục, làm như vậy là dở. Chủ đầu tư mở ra một ngôi trường nhưng vì xích mích với cha mẹ, lại làm cho các em học sinh bị ảnh hưởng quá trình học tập. 
Nhưng theo ông Đức, xét về lý, nếu là hợp đồng dân sự thì phụ huynh thấy trường làm không đúng thì phải kiện vì liên quan đến thoả thuận giữa hai bên. Cần lưu ý là với nhà đầu tư nước ngoài, họ chỉ nói lý. Ví dụ họ sẽ nói là phụ huynh không hài lòng với dịch vụ của trường thì tốt nhất "đường ai nấy đi", tìm trường khác hài lòng hơn.

Phụ huynh tập trung phản đối mức học phí ở Trường quốc tế Việt Úc tháng 5.2020

Trường Việt Úc và nhiều phụ huynh có những bất đồng trong thời gian vừa qua.

Đăng Nguyên

Ông Đức cho biết mỗi bên đều có cái lý của mình. Cũng phải coi kỹ yêu cầu của các phụ huynh, xem xét cả quá trình, làm sao để dẫn đến câu chuyện này. Việc xem xét phải hợp lý hợp tình. 
"Trường chối bỏ học trò, dừng tiếp nhận 40 học sinh, làm cho học trò của mình khó khăn tìm chỗ học, nhất là ở thời điểm này thì tính về tình cảm con người, tính nhân văn của phương Đông, ứng xử như vậy là kém. Nhưng tính về giao dịch dân sự thì phải tính cả quá trình. Một bên là cung cấp dịch vụ, một bên sử dụng dịch vụ và trả tiền tương ứng, có điều khoản với nhau. Cũng như khi chủ cho thuê căn hộ, vì dịch Covid-19, giảm vài chục phần trăm tiền nhà cho khách thì hai bên đều vui vẻ. Nhưng chủ nhà không giảm tiền nhà thì không thể bắt lỗi mà chỉ có thể dựa trên điều khoản trên hợp đồng. Nói chủ nhà nhẫn tâm thì chỉ đứng về mặt tình cảm nhưng nếu nói về lý thì hợp đồng không có thể hiện nội dung "vì thu nhập kém vì dịch nên được giảm tiền nhà". Vì vậy, phải xem xét và trao đổi kỹ", ông Đức cho biết. 
Ông Dương Anh Đức cũng cho rằng bất kỳ xung đột nào, mỗi bên nhường nhau một tí mới tìm được lời giải. Người nào cũng muốn mình "đủ" thì bên còn lại sẽ "thiếu". 

Một số phụ huynh của học sinh Trường Việt Úc đã nhiều lần đến trường phản đối.

Đăng Nguyên

Cũng theo ông Dương Anh Đức, hiện tại UBND TP.HCM đã nhận được các đơn của phụ huynh Trường Việt Úc (VAS) gửi đến và đang xem xét. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.