Lãnh đạo Vietinbank: 'Ngân hàng và doanh nghiệp ngồi chung một xuồng ba lá, phải cùng chèo'

08/02/2023 21:50 GMT+7

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8.2, lãnh đạo Vietinbank đã có chia sẻ sâu xa về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Gói 30.000 tỉ đồng năm 2013 còn dư nợ khoảng hơn 6.000 tỉ đồng

Mở đầu hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. 

Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị nhằm lắng nghe đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho thị trường bất động sản, làm rõ nguyên nhân vì sao doanh nghiêp kêu khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Lãnh đạo Vietinbank: 'ngân hàng và doanh nghiệp ngồi chung xuồng 1 ba lá, phải cùng chèo' - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản mong có thêm gói tín dụng giống như gói 30.000 tỉ đồng triển khai từ năm 2013

LÊ QUÂN

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết dư nợ tín dụng của bất động sản cuối năm 2022 là 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua với tỷ lệ nợ xấu 1,81%. Tỷ lệ nợ xấu trong bất động sản tăng nhẹ trong năm 2022 từ mức 1,67% vào cuối năm 2021.

Một số doanh nghiệp bất động sản lớn như Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)… được mời phát biểu kiến nghị nhiều nội dung: đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị, mở room tín dụng riêng cho bất động sản, hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, có cơ chế riêng về tín dụng bất động sản du lịch, điều kiện vay vốn, nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỉ đồng năm 2013, mục đích vay vốn, hệ số rủi ro áp dụng cao với các khoản tín dụng bất động sản, hoặc tín dụng được đảm bảo bằng bất động sản, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, lãi suất cao…

Ở vai trò điều phối hội nghị, sau khi các doanh nghiệp bất động sản phát biểu, Phó thống đốc Đào Minh Tú đã phản hồi lại thông tin về gói 30.000 tỉ đồng là phát huy hiệu quả rất tốt khi làm ấm lại thị trường bất động sản đóng băng giai đoạn trước đó. Hiện, gói 30.000 tỉ đồng năm 2013 vẫn còn dư nợ khoảng hơn 6.000 tỉ đồng và với điều kiện hiện nay, rất khó để bố trí nguồn vốn tương tự.

Tiếp tục hội nghị, ông Tú đã mời đại diện các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Techcombank… chia sẻ thông tin về tín dụng bất động sản. Trong đó, "nổi bật" nhất là phần phát biểu của lãnh đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Doanh nghiệp và ngân hàng giống như ngồi chung xuồng ba lá

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietinbank, chia sẻ đang có suy nghĩ "dường như trong cách trao đổi của một số doanh nghiệp bất động sản, hiệp hội bất động sản… có gợn điều gì đó giống như suy nghĩ rằng ngân hàng đang kỳ thị các anh em doanh nghiệp".

Lãnh đạo Vietinbank: 'ngân hàng và doanh nghiệp ngồi chung xuồng 1 ba lá, phải cùng chèo' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietinbank, phát biểu tại hội nghị

LÊ QUÂN

Theo ông Dũng, Vietinbank cũng như các ngân hàng thương mại khác, xét về cả tình và lý, thật lòng rất quý trọng, thương yêu, chia sẻ với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. 

Ông Dũng cho biết, trong hội nghị này "có nhiều anh, chị và các ngân hàng đều quen biết, đồng hành với nhau cả quá trình dài từ 20 năm qua, từ doanh nghiệp nhỏ nay nhiều người đã thành đại gia nên rất thân tình, gắn bó".

Về lý, hiện nay, Vietinbank cho vay lĩnh vực bất động sản là 21% trong tổng dự nợ tín dụng, tập trung trong bất động sản công nghiệp, nhà ở, bất động sản vay tiêu dùng… Mức độ tập trung tín dụng trong bất động sản của Vietinbank cũng khá cao.

"Do đó, khi bất động sản khó khăn thì thật tình mà nói, chúng tôi còn lo hơn các doanh nghiệp. Doanh nghiệp vay chúng tôi 1 khoản 1.000 tỉ thì chỉ việc lo chừng đó, còn ngân hàng thì là cả một khối tài sản lớn gấp nhiều lần. Nói vậy để thấy rằng về tình thì anh em với nhau cần chia sẻ, đồng cảm. Còn về lý thì anh em ngân hàng cùng với doanh nghiệp cùng ngồi chung trên một chiếc xuồng, mà lại là xuồng ba lá, xuồng nhỏ, có nghĩa là những người ngồi trên đó phải hết sức bình tĩnh để chèo cùng một nhịp, đi cùng hướng. Chỉ cần ai đó mất bình tĩnh, chèo lạc nhịp là chìm xuồng. Doanh nghiệp sống thì ngân hàng mới sống còn doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn", ông Dũng nói.

Quyền Tổng giám đốc Vietinbank bày tỏ, ngân hàng luôn mong muốn cùng hành động với các doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Với 21% tổng dư nợ tín dụng tập trung trong bất động sản thì Vietinbank còn 79% dư nợ tín dụng chia cho các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Về đề xuất giãn nợ, cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp bất động sản, ông Dũng cho rằng nếu đồng ý thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như dệt may, cà phê, điều, thủy sản… cũng sẽ đòi hỏi cơ chế đặc thù. Vậy có nên đồng ý không, nếu đồng ý thì cả nước đều sẽ cùng thực hiện cơ chế đặc thù, không thể đảm bảo.

Mặt khác, nếu ưu tiên doanh nghiệp bất động sản giãn nợ, cơ cấu nợ thì cũng là không công bằng với các ngành nghề kinh doanh khác, phi thị trường. Thêm nữa, cũng không đảm bảo nguyên tắc minh bạch, ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của ngành ngân hàng.

Sau cùng, ông Dũng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản phải tự cơ cấu để thoát khỏi khó khăn.

"Anh Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, lo lắng doanh nghiệp chết trên đống tài sản, tôi rất thấu hiểu, tôn trọng. Nhưng, xem xét lại thấy rằng đống tài sản vẫn còn đấy, nếu khó khăn thì bán đi để trang trải. Vấn đề là bán với giá nào thôi. Nếu doanh nghiệp bán một tài sản khi thị trường bình thường là 10 đồng thì khi khó khăn hãy hạ giá xuống 6 đồng, có người mua sẽ thu về tiền mặt, trang trải nợ nần, tái cơ cấu", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho rằng, cần phải làm rõ khái niệm thế nào là đầu cơ bất động sản để ngân hàng nhận biết rõ để có ứng xử phù hợp với các khoản vay, không thể nói theo cảm tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.