Lãnh đạo VNA lần đầu lên tiếng về khoản lỗ luỹ kế 4.000 tỉ của Jetstar

10/05/2019 13:54 GMT+7

Nhiều vấn đề nóng của Vietnam Airlines như khoản lỗ 4.200 tỉ đồng của Jestar Pacific, cạnh tranh trên thị trường giá rẻ... đã được cổ đông chất vấn tại Đại hội cổ đông sáng nay, 10.5.

Lần đầu tiên, lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) cũng lên tiếng lý giải về khoản lỗ luỹ kế 4.200 tỉ đồng cuả Jestar Pacific (JPA) - công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 75% cổ phần.
Trước câu hỏi chất vấn “khoản lỗ luỹ kế hơn 4.200 tỉ đồng, vượt cả vốn điều lệ, tương lai của Jestar Pacific sẽ như thế nào, Vietnam Airlines có tính đến phương án giải thể hay bán lại?”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA, cho hay khoản lỗ luỹ kế của Jestar Pacific hiện đã được xử lý xong, đặc biệt là khoản lỗ 2.400 tỉ đồng khi chuyển giao JPA sang VNA. Việc xử lý đã được kiểm toán, quyết toán, kiểm toán nhà nước cũng đã vào kiểm toán.
“Với công ty mẹ rót vốn vào đã được xử lý dứt điểm, minh bạch. Lợi ích cổ đông của VNA không bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ luỹ kế này”, ông Minh nói.
Đề cập thêm đến quá trình tái cơ cấu JPA, Chủ tịch VNA cho biết, nếu là tư nhân chỉ mất 2 - 3 năm, không phải kéo quá dài như hiện nay. Tuy nhiên, thời điểm tiếp nhận (năm 2012), lợi nhuận hợp nhất của VNA chỉ là 300 - 400 tỉ đồng, nếu làm như các hãng tư nhân khác là bán, thay máy bay ồ ạt sẽ lỗ ngay 700 - 1.000 tỉ đồng/năm, VNA phải gánh 75%.
“VNA không chấp nhận bất kỳ khoản lỗ nào, nên đưa ra giải pháp là lỗ giảm dần, phân bổ hàng năm”, ông Minh khẳng định.
Theo đó, từ khi thành lập đến năm 2012, JPA luôn luôn lỗ. Nhưng kể từ khi Vietnam Airlines tiếp nhận, hãng đã thực hiện quy trình tái cơ cấu và đang mang lại kết quả. Năm 2012 - 2013, JPA đã giảm lỗ, năm 2014 lãi 8 tỉ đồng và 2018 kết sổ lãi 34 tỉ đồng.
Sau quá trình tái cơ cấu, dàn máy bay của JPA đã được cải thiện cả về số lượng và chất lượng máy bay. Tuổi trung bình đội bay của hãng này cũng đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, việc tăng quy mô cũng như tăng thêm đội tàu bay cho JPA chưa thể diễn ra, do cơ quan nhà nước chưa chấp thuận tăng vốn cho JPA từ năm 2016 tới nay. Hiện JPA chỉ có 18 máy bay, dù đáng ra phải nâng đội máy bay lên 24 chiếc.
Chia sẻ thêm về tái cấu trúc JPA, theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, đây là quá trình gian nan, khó khăn kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản, nhưng đến nay, hoạt động tái cơ cấu cơ bản đã thành công.
“Sau 7 năm, Jestar Pacific đã cơ bản hoạt động ổn, tình hình kinh doanh cải thiện, có lãi, có tương lai cho chính nó và gắn vào tổng công ty tạo hiệu ứng tốt, góp phần vào kỷ lục lợi nhuận của tổng công ty giai đoạn 2017 - 2018", ông Thành nói.

Hàng không giá rẻ là tương lai

Đáng chú ý, lãnh đạo VNA cũng lần đầu tiên khẳng định: "Hàng không giá rẻ chính là tương lai".
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, trước đây chỉ có Jetstar là giá rẻ, chiếm 17% thị phần. Nhưng sau quá trình bùng nổ 2015 - 2016, phân khúc thị trường nội địa của VNA còn 35%, còn lại 60 - 65% thị trường thuộc về hàng không giá rẻ.
Đây là lý do theo ông Thành, VNA sẽ tiếp tục phát triển theo mô hình đầy đủ 3 loại hình là dịch vụ chất lượng cao (truyền thống 4 sao phát triển lên 5 sao), khai thác thị trường quốc tế, xuyên lục địa, an ninh quốc phòng, chuyên cơ... Ngoài ra, phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc dân tới vùng sâu xa, hải đảo là Công ty con VASCO với đội máy bay ATR72, đội bay thân ngắn.
Với hàng không giá rẻ, đây không chỉ là tương lai của thị trường hàng không Việt Nam mà cả thị trường châu Âu, Mỹ, ASEAN. Hiện, nhiều nước hàng không giá rẻ chiếm đến 65 - 70%, thị trường nội địa Việt Nam cũng chiếm tới 65 - 70% giá rẻ.
“VNA Group sẽ cạnh tranh bảo vệ thị phần kể cả ở phân khúc giá rẻ, với mục tiêu giữ 53% thị phần hàng không nội địa”, ông Thành cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.