Lãnh lương hưu: Khổ vì chuyện... ủy quyền

03/11/2018 11:12 GMT+7

Hiện nay, nhiều cán bộ hưu trí lãnh lương hưu do nhân viên bưu điện chi trả. Tuy nhiên, cách làm ở nhiều nơi khiến người lớn tuổi phải khổ sở khi nhận được đồng lương của mình.

Lúc chấp nhận, lúc không
Ông Trần Quốc Anh, 72 tuổi, và vợ là Nguyễn Thị Kim Dung, 66 tuổi, thường trú tại đường Đào Duy Từ, P.5, Q.10, TP.HCM; cả hai ông bà đều đã lãnh lương hưu nhiều năm.
“Trước đây, vợ chồng tôi lãnh lương tại UBND P.5, Q.10, đơn giản, nhanh chóng. Sau đó, bưu điện chi trả lương, chúng tôi cũng lãnh tại UBND P.5, Q.10 nhưng do nhân viên bưu điện chi trả. Khi chuyển về Q.2 sinh sống, đi lại xa xôi nên lúc vợ, lúc chồng đi lãnh lương cho cả hai. Khi đó, chúng tôi làm giấy ủy quyền, vợ ủy quyền cho chồng, chồng ủy quyền cho vợ, UBND phường xác nhận chữ ký, tốn phí 15.000 đồng và được nhân viên bưu điện chi trả lương hưu chấp nhận cho lãnh thay”, ông Anh kể.
Tuy nhiên, theo ông mới đây, khi UBND phường không được xác nhận chữ ký trên giấy ủy quyền nữa. Nhân viên bưu điện yêu cầu ông làm giấy ủy quyền từ vợ cho ông tại văn phòng công chứng. Đầu tháng 9.2018, ông Anh đến Văn phòng công chứng Thủ Đức (đường Lương Định Của, Q.2) làm giấy ủy quyền từ vợ để ông đi lãnh thay. Kỳ lãnh lương tháng 9.2018, nhân viên bưu điện cho ông lãnh lương của cả hai người. Sang tháng 10.2018, nhân viên bưu điện trả lại giấy ủy quyền với lý do: phải có hợp đồng ủy quyền mới được chấp nhận, giấy ủy quyền thì không.
Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền giống hay khác nhau ?
Ông Anh bức xúc: “Cũng với nội dung vợ ủy quyền cho chồng, khi làm ở phường, tôi tốn phí 15.000 đồng. Sau đó, làm giấy ủy quyền ở văn phòng công chứng thì mất 150.000 đồng. Nay bắt làm hợp đồng ủy quyền, sẽ phải tốn phí 350.000 đồng. Cũng một nội dung ủy quyền mà sao lại hành hạ người về hưu khổ sở như thế?”.
Theo luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước: Giấy ủy quyền là một hình thức đại diện ủy quyền, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền hiện chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp lý nào, chỉ tồn tại trên thực tế và thói quen của xã hội. Còn hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền; bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (quy định tại điều 562, bộ luật Dân sự 2015).
Khi làm giấy ủy quyền, không cần có sự tham gia của bên nhận ủy quyền (ủy quyền đơn phương). Trong khi đó, ở hợp đồng ủy quyền, phải có sự xác nhận của cả bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
“Với trường hợp trên, việc ông Trần Quốc Anh có giấy ủy quyền của vợ với nội dung ông đại diện cho vợ nhận lương hưu, giấy ủy quyền được văn phòng công chứng chứng thực. Như vậy, giấy ủy quyền đã đủ cơ sở để nhân viên bưu điện chi trả lương cho vợ thông qua ông, bởi thông tin của của hai bên đã được xác thực bởi văn phòng công chứng. Việc nhân viên bưu điện đòi hỏi phải có hợp đồng ủy quyền, không chấp nhận giấy ủy quyền là hiểu sai bản chất vấn đề, làm khó người dân”, luật sư Nguyễn Hải Nam nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.