Lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam giảm 17% do Covid-19

16/06/2021 11:55 GMT+7

Lao động giúp việc gia đình trở thành đối tượng dễ bị mất việc hơn so với các đối tượng khác. Từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát tại Việt Nam, tỷ lệ lao động giúp việc gia đình đã giảm 17% so với trước dịch.

Thông tin trên được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết  trong báo cáo Biến việc làm thỏa đáng thành hiện thực cho lao động giúp việc gia đình, ngày 16.5.
Theo ILO, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực đưa lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động. Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145/2000/NĐ-CP đi kèm quy định lao động gia đình phải có hợp đồng bằng văn bản, đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, trong đó có giới hạn về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi.
Trong số các nước Đông Nam Á, chỉ có ở Việt Nam là lao động giúp việc gia đình được hưởng một mức lương tối thiểu ít nhất bằng mức lương tối thiểu dành cho các lao động khác.
Theo báo cáo mới của ILO, 19% lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam làm việc thông qua các nhà cung cấp dịch vụ và số lượng lao động giúp việc gia đình di cư ra nước ngoài làm việc liên tục tăng trong thập kỷ qua.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, lao động giúp việc gia đình trở thành đối tượng dễ bị mất việc hơn nhiều so với các đối tượng lao động khác. So với quý 4/2019, tỷ lệ lao động giúp việc gia đình đã giảm 17% trong quý 2/2020. Trong khi đó, tỷ lệ mất việc của nhóm lao động làm thuê khác trong cùng giai đoạn chỉ là 6,1%.
Song song với việc một số lao động giúp việc gia đình bị mất việc làm, một số người khác bị giảm thời giờ làm việc. Cả hai tình trạng này đều dẫn tới sự sụt giảm đáng kể về tổng tiền lương nhận được. Trong quý 2/2020, thời giờ làm việc của lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đã giảm 24,7% so với quý 4/2019. Do mất việc làm và thời giờ làm việc bị giảm, tiền lương mà lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam nhận được đã giảm 26,2%.
Từ những bằng chứng thu thập được tại Việt Nam, ILO chỉ ra rằng khả năng lao động giúp việc gia đình bị mất việc trong thời kỳ đại dịch cao hơn 2 - 3 lần so với các lao động khác.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết: “Mặc dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, trong đó bao gồm việc đưa người lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi bảo vệ của pháp luật lao động, nhưng thách thức gặp phải hiện nay làm thế nào để tăng cường tuân thủ luật pháp và thu hẹp khoảng cách giữa các biện pháp bảo vệ quy định trong luật và trải nghiệm thực tế của lao động giúp việc gia đình,”
Dự kiến, Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước về Lao động giúp việc gia đình của ILO (Công ước số 189) vào năm 2026.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.