Lao động ngành bất động sản, điện, xây dựng sụt giảm thu nhập

06/04/2023 15:49 GMT+7

Thị trường lao động quý 1/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi, việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước, song ở một số ngành kinh tế chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập.

Thông tin trên được Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 6.4, tại buổi họp báo về tình hình lao động, việc làm quý 1.

 Bất động sản, điện, xây dựng sụt giảm về thu nhập - Ảnh 1.

Lao động ngành bất động sản bị sụt giảm thu nhập trong quý 1

THU HẰNG

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1 là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam (8 triệu đồng) cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

Tính chung cả quý, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả 3 khu vực kinh tế. Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế. Trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước.

Cụ thể, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng.

 Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345.000 đồng.

Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế, tăng 9%, tương ứng tăng khoảng 655.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, so với quý trước, trong quý này chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế như: lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản thu nhập là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng; ngành xây dựng, lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng.

Còn hơn 1 triệu lao động thất nghiệp

Thị trường lao động quý 1 tiếp tục duy trì đà phục hồi, số người có việc làm tiếp tục tăng kéo theo tỷ lệ thất nghiệp giảm. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người, tăng 113.500 người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 người so với quý trước và giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày; điện - điện tử… buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm trong nước.

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.