Làm thêm giờ, tăng ca mới đủ sống
Tối 13.4, vợ chồng chị Trần Thị Minh Phương (đường Âu Cơ, Q.Tân Bình) ghé quán bún mắm Bạc Liêu trên đường Lạc Long Quân ăn tối. Lúc này, chị mới phát hiện quán đã tăng giá bán lên 7.000 đồng/tô so với trước Tết Nguyên đán, từ 58.000 đồng/tô lên 65.000 đồng/tô. Chị Phương cho biết hôm nay 2 vợ chồng ra ngoài ăn tối kỷ niệm 3 năm sau ngày cưới. Chứ mọi khi đi làm về, vợ chồng chị nấu ăn tại phòng trọ, làm gì có chuyện “chơi sang” ăn tô bún đến 65.000 đồng mỗi người như vậy. Cả Phương và chồng cùng quê ở Cà Mau lên TP.HCM đi làm, ở trọ cùng khu nhà, rồi yêu và kết hôn cách đây 3 năm. Gần nửa năm 2021, TP.HCM giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19, cả hai về quê sống nhờ cha mẹ 2 bên. TP mở cửa trở lại, đầu tháng 11.2021, vợ chồng lại đèo nhau lên TP cùng xin việc tại một nhà máy sản xuất bao bì trong Khu công nghiệp Tân Bình. Phương cho biết trong tháng 3, lương không tăng nhưng thu nhập của chị có tăng thêm 580.000 đồng do đăng ký làm thêm giờ tại bộ phận đóng gói. Hiện thu nhập của Phương mỗi tháng được 6,08 triệu đồng, của chồng gần 8 triệu đồng.
Đa số người lao động muốn tăng thu nhập buộc phải tăng ca, tăng giờ làm |
Ngọc Dương |
“Có mấy công việc cơ bản nhưng nhà máy thiếu người làm hoặc không chủ trương tuyển thêm người, họ cho công nhân đăng ký làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập. Cả hai vợ chồng em đều đăng ký làm tăng ca, mỗi tháng cả hai thu nhập thêm gần 1,3 triệu đồng. Tháng 4 này sẽ tăng nhiều hơn vì đăng ký làm thêm từ đầu tháng”, chồng của Phương bổ sung và cho biết đa số công nhân tại nhà máy muốn tăng thu nhập phải đăng ký làm thêm giờ, tăng ca; còn theo mức lương cũ rất khó sống.
Với nhân viên văn phòng, nhiều người cho biết vẫn ăn theo “lương cứng” và ít có sự xê dịch thu nhập so với trước. Chị Trần Thu Nga, kế toán một công ty dệt vải lớn của Đài Loan, nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, văn phòng đặt tại Q.3, kể thu nhập của mình trước và sau dịch Covid-19 vẫn ở mức 8,2 triệu đồng/tháng. Từ tháng 3, xăng tăng giá, công ty phụ cấp thêm 100.000 đồng là 8,3 triệu đồng. Nếu làm thêm ngoài giờ thì có tăng nhưng không nhiều. “Mức tăng không đủ để uống cà phê trong khi đơn hàng về tăng, lương của các sếp người nước ngoài thì “trên trời” còn nhân viên như tụi mình vẫn như cũ”, chị Nga nói.
Cũng ở bộ phận văn phòng, chị Nguyễn Thùy Trang, nhân viên kiểm toán tại công ty nước ngoài chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng (Q.1), cho biết lương nhân viên của công ty tăng theo tỷ lệ lạm phát. Ví dụ, năm 2021 lạm phát 4%, lương cũng tăng theo mức đó. “Công ty không “chẻ nhỏ” ra mà trả trọn gói, trừ phụ cấp ăn trưa không tính. Từ tháng 1 năm nay, lương của mình tăng 4%, khoảng 1 triệu đồng và đây cũng là mức tăng hợp lý vì trong bối cảnh hậu Covid-19, doanh nghiệp (DN) tăng khá nhiều chi phí”, chị Thùy Trang cho biết.
Doanh nghiệp tinh gọn bộ máy
Theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) cả nước trong quý 1 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 địa phương NLĐ có thu nhập cao nhất nước trong quý 1, lần lượt là TP.HCM đạt 8,9 triệu đồng/tháng, tăng 36,5%; Bình Dương đạt 8,6 triệu đồng, tăng 54% và Đồng Nai đạt 8,5 triệu đồng, tăng 32,9%.
Tăng giờ làm thêm là giải pháp tình thế tạm thời thời hậu Covid-19, về lâu dài thì không nên. Điều quan trọng là dịch chuyển lao động từ các ngành nghề có kỹ năng thấp về giá trị gia tăng/thu nhập sang các lĩnh vực/công việc có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó nâng mặt bằng thu nhập chính thức lên.
Trao đổi với Thanh Niên, một số DN tại TP.HCM cho biết trong tổng chi phí đầu vào của DN tăng, chi cho lương của nhân viên tăng chiếm khoảng 10 - 15%. Chủ tịch công đoàn một công ty sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), nói rằng từ cuối năm 2021, trong thông báo đăng tuyển lao động, công ty cũng nói rõ sẽ tăng lương từ 5 - 7% so với mức lương cũ để hỗ trợ NLĐ quay lại làm việc trong bối cảnh dịch bệnh còn bùng phát và chi tiêu dùng của công nhân tăng. Cụ thể, lương công nhân từ 8 triệu đồng, tăng thêm từ 400.000 - 560.000 đồng/tháng cộng thêm các chế độ đãi ngộ như làm việc trong ngày nghỉ lễ, trước hưởng lương gấp đôi, nay gấp 3 lần. Bên cạnh đó, công đoàn làm việc với các phường để tìm những khu nhà trọ khang trang giới thiệu, hỗ trợ NLĐ thuê ở… Vị này cho hay: “Chỉ có chính sách tăng thu nhập cho NLĐ, bảo đảm cho họ cuộc mưu sinh không quá chật vật và đặc biệt phải an toàn trong mùa dịch, mới giữ được lao động cũ và kêu gọi người đã về quê quay trở lại làm việc”.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony, cho biết thu nhập của NLĐ tại công ty trong năm nay tăng đến 50%. Nhưng tăng không hẳn do DN chi nhiều hơn để trả lương cho nhân viên mà do có nhiều thay đổi về chính sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Cụ thể, thứ nhất là khoán theo năng suất và thưởng theo năng suất. Công nhân không còn cảnh “la cà” ngưng làm để ăn vặt hay tám chuyện trong quá trình làm việc mà làm tập trung và đến sát giờ nghỉ mới ngưng. Thứ hai là khuyến khích cho công nhân tăng ca để tăng thu nhập. Thứ ba là cắt bớt bộ phận quản lý trung gian, tinh gọn bộ máy hơn. Khoản lương trả cho bộ phận trung gian đưa về cho những công nhân trực tiếp sản xuất, gắn với họ trách nhiệm tự quản, tự chịu trách nhiệm thành phẩm của mình. “Sau đại dịch, chúng tôi chọn giải pháp phải tinh gọn bộ máy mới tồn tại và phát triển được. Đến nay, mọi thứ đã vào guồng và ngay bản thân tôi là chủ DN cũng thấy nhẹ nhõm…”, ông Phạm Quang Anh bộc bạch.
Cần tăng bền vững
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững, bày tỏ sự lạc quan, sau thời gian đứt gãy chuỗi sản xuất, các công ty xuất hàng ra nước ngoài phải tìm kiếm lại khách hàng, chấp nhận bỏ thêm chi phí để tìm lại thị trường, đồng thời để giữ lao động có tay nghề, cạnh tranh với đối thủ…, thì tăng lương là việc dễ nhất để làm. Ông nói: “Các công ty không phải tìm được đơn hàng mới nhiều đâu. Họ sẵn sàng tăng chi phí nhằm tăng sự gắn bó của NLĐ với DN. Tuy nhiên, cần lưu ý là thế giới vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro, đại dịch vẫn hoành hành. Lạm phát tại Mỹ lên cao nhất trong 10 năm qua và chuỗi kinh doanh trên toàn cầu đâu đó còn đứt gãy. Thu nhập của NLĐ tuy có tăng nhưng còn bấp bênh, chưa thấy sự bền vững. Thế nên, tuy thu nhập có tăng, nhưng vật giá leo thang, NLĐ vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Đại dịch vừa rồi thu nhập giảm nhiều, nên đa số tâm lý người dân vẫn dành một ít để phòng rủi ro”.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận xét mức thu nhập trung bình như vậy theo thống kê quả thực có tăng. Tuy nhiên, cũng phải xem xét theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, nhóm lao động kỹ năng thấp (công nhân dây chuyền lắp ráp đơn giản, dệt may, da giày) thường có thu nhập cố định thấp, để có được mức thu nhập như thống kê điều tra phải làm tăng giờ nhiều. Thực ra tăng giờ làm thêm là giải pháp tình thế tạm thời thời hậu Covid-19, về lâu dài thì không nên. Như vậy, để có thể tăng thu nhập bền vững, điều quan trọng là dịch chuyển lao động từ các ngành nghề có kỹ năng thấp về giá trị gia tăng/thu nhập sang các lĩnh vực/công việc có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó nâng mặt bằng thu nhập chính thức lên, theo TS Nguyễn Quốc Việt.
Bình luận (0)