Lao động trẻ em có thể tăng thêm gần 9 triệu vào năm 2022

01/12/2021 17:21 GMT+7

Dịch Covid-19 làm suy giảm kinh tế, thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình, mất an ninh lương thực, tạo nên rào cản đối với giáo dục ... dẫn tới nguy cơ gia tăng lao động trẻ em .

Đây là nhận định được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra tại hội thảo triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các bộ, ngành, ILO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 1.12.

Nhiều trẻ em nghèo tại Việt Nam phải vất vả mưu sinh

QUANG VIÊN

Theo ước tính của ILO, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu trẻ em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi là hơn 1,03 triệu em, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong lứa tuổi này, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (9,6%) và toàn cầu (10,6%) năm 2016.

Bà Bharati Pflug, chuyên gia cao cấp của ILO, lưu ý lao động trẻ em không chỉ gây rủi ro về uy tín cho Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại quốc tế và làm suy yếu năng lực của lực lượng lao động tương lai của đất nước, mà còn làm xói mòn quyền của trẻ em và gia tăng tình trạng nghèo đói theo chu kỳ.

Khởi động chương trình phòng ngừa lao động trẻ em

Trong bối cảnh hiện nay, những hành động khẩn cấp cần được triển khai nhằm hạn chế các nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch Covid-19. Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.

Để làm tốt hơn công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Theo bà Bharati Pflug, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện chương trình quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau Covid-19.

Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lesley Miller cho rằng, lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, chất lượng giáo dục và huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần chú trọng thúc đẩy các quy định về điều kiện lao động đối với trẻ em đủ tuổi lao động; thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ của cộng đồng trong việc phản đối lao động trẻ em; thúc đẩy khu vực tư nhân và tổ chức xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.