Lao động trẻ ngày càng quan tâm đến cơ hội thăng tiến

09/03/2024 06:00 GMT+7

Thị trường lao động đã dần ổn định trở lại, dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. Tình trạng lao động "nhảy việc", nhất là lao động trẻ hầu như ít xảy ra.

Xu hướng lao động trẻ "nhảy việc" ít

Khác với không khí sôi động của các phiên giao dịch việc làm đầu xuân những năm trước đây, năm nay, một tuần sau khi mở lại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, người lao động (NLĐ) đến tìm việc làm mới không nhiều.

Lao động trẻ ngày càng quan tâm đến cơ hội thăng tiến- Ảnh 1.

Lao động trẻ tìm việc qua Sàn giao dịch việc làm Hà Nội

THU HẰNG

Mặc dù chỉ tiêu tuyển dụng đầu năm của doanh nghiệp (DN) lên tới hàng nghìn, nhưng ở phiên giao dịch việc làm Xuân Giáp Thìn 2024, số lao động đi tìm việc chủ yếu là sinh viên sắp tốt nghiệp hoặc lao động trên 40 tuổi.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay các DN đã bắt đầu hoạt động tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các ngành nghề tuyển dụng dự kiến sẽ tăng trong những tháng đầu năm 2024 gồm: thương mại dịch vụ, văn phòng, công nghệ thông tin, công nhân sản xuất điện, điện tử, dệt may da giày… Các chỉ tiêu tuyển dụng tương đối nhiều vị trí để NLĐ dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Đáng chú ý, theo ông Thành, xu hướng lao động trẻ "nhảy việc" hầu như không có. "Trước đây, sau tết DN thường lao đao tìm người vì một bộ phận NLĐ "nhảy việc" hoặc ở lại quê tìm việc, song năm nay tình hình này ít hơn. Lực lượng lao động của Hà Nội trở lại làm việc sau tết trên 90%, cho thấy tỷ lệ lao động "nhảy việc" hoặc tìm việc làm mới hạn chế hơn nhiều so với những năm trước. Cạnh đó, tâm lý chung của lao động đầu năm là chưa mặn mà tìm việc nên các phiên giao dịch việc làm chưa đông như kỳ vọng", ông Thành thông tin.

Dẫn báo cáo nhanh của các địa phương, các ngành, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết: "Điều đáng mừng là một số ngành như gỗ, dệt may... trong năm 2023 cắt giảm nhiều lao động, thì những tháng đầu năm 2024 các đơn hàng đã quay trở lại. Đây là những tín hiệu khởi sắc cho thấy thị trường lao động đã qua thời kỳ ảm đạm nhất".

Doanh nghiệp xây dựng bản đồ thăng tiến cho người lao động

Đánh giá xu hướng tìm kiếm việc làm của NLĐ, bà Nguyễn Thị Lan, Phó giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần quản lý và khai thác tòa nhà VNPT, cho hay cách đây 3 năm, khi phỏng vấn tuyển dụng, NLĐ thường xuyên đặt ra cho nhà tuyển dụng 3 câu hỏi: "Lương bao nhiêu? Công việc ra sao? Chế độ đãi ngộ như thế nào?". Nhưng bây giờ, hầu hết các lao động trẻ đặt thêm câu hỏi: "Lộ trình thăng tiến của chúng tôi như thế nào, cơ hội phát triển bản thân ra sao?".

"Đây là điểm khác biệt nhất và là tín hiệu đáng mừng khi NLĐ hiểu bản thân được hưởng quyền lợi, cơ hội thăng tiến thì mức độ cống hiến của họ luôn đặt ở mức cao nhất. Vì vậy, trong chiến lược tuyển dụng, DN cũng đã xây dựng bản đồ thăng tiến cho NLĐ khi về đầu quân cho công ty. Bản đồ thăng tiến chi tiết rõ ràng lộ trình lên vị trí nào cần có kỹ năng gì, đạt trình độ nào. Chúng tôi hỗ trợ NLĐ để họ có động lực thúc đẩy nâng cao giá trị bản thân, gắn bó lâu dài, ổn định tại công ty", bà Lan bày tỏ.

Bên cạnh yếu tố lương, báo cáo "Lương và thị trường lao động năm 2024" của Công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group cũng chỉ ra khi NLĐ tìm kiếm công việc mới, cơ hội thăng tiến trong công việc hay cơ chế thưởng cũng là yếu tố được NLĐ kỳ vọng nhiều nhất.

Để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, các chuyên gia của Navigos cho rằng NLĐ cần liên tục cập nhật tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Trong năm 2024, NLĐ cần tập trung phát triển các kỹ năng cốt lõi như: ngoại ngữ, tư duy phân tích; tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả… đặc biệt là nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động...

Mặt khác, theo ông Vũ Quang Thành, thị trường lao động đầu năm có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn tiềm ẩn. Trong bối cảnh này, NLĐ trước khi quyết định "nhảy việc", tìm kiếm việc làm mới phải hết sức chú ý.

"NLĐ nên cân nhắc khi muốn "nhảy việc", nếu DN khó khăn hãy đồng hành, chia sẻ, gắn bó để giúp DN vượt qua khó khăn. Trừ trường hợp bất khả kháng hoặc thu nhập giảm sâu thì phải lựa chọn kỹ DN để phù hợp với mức lương, phúc lợi, đóng góp cho DN…", ông Thành khuyến nghị.

Về phía trung tâm, ông Thành cho biết việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh phía bắc sẽ giúp cho thị trường lao động giữa các tỉnh thành gần nhau hơn. Việc này hỗ trợ tốt nhất cho DN có nhiều nguồn tuyển dụng và NLĐ có nhiều cơ hội việc làm vị trí phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.