Lao động trẻ xoay xở mùa dịch Covid-19: Không cam chịu 'ôm nỗi buồn thất nghiệp'

08/09/2020 07:43 GMT+7

Mùa dịch Covid-19 khiến cuộc mưu sinh của nhiều công nhân trẻ chất chồng thêm gian khó, nhưng họ không nản chí, mà quyết tâm tìm cách chống chọi, từng bước tháo gỡ khó khăn…

Việc gì cũng làm

Anh Trần Trọng Hưng (32 tuổi, quê ở H.Đông Hòa, Phú Yên) chia sẻ: “Mình từng hứa với cha mẹ là vào TP.HCM sẽ cố gắng làm kiếm tiền, gửi về phụ giúp gia đình. Bây giờ mà trở về với cảnh trắng tay như thế này, coi sao được, nên cố gắng bám trụ”.
Cách anh Hưng bám trụ là chuyển hướng sang làm... “thợ đụng” sau khi nghỉ việc ở công ty giày dép trên đường 47, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM. “Tôi liên tục đi tìm những nơi thuê người làm, bất kể công việc gì, dù không đúng sở trường, dù có nặng nhọc, chỉ cần cảm thấy làm được là tôi xin làm”, anh Hưng nói.
Ban đầu anh đi phụ chăm sóc cây cảnh trên đường Thành Thái, sau đó đi phụ hồ cho một công trình xây dựng ở Q.2. Còn hiện tại, anh Hưng khoe đã có công việc ổn định hơn là làm nhân viên bảo vệ cho một khách sạn ở khu Trung Sơn (Q.7). “Công việc hiện tại của tôi được 6,2 triệu đồng mỗi tháng. Hồi mới nghỉ việc, nếu chán nản bỏ về quê, thì bây giờ chắc phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” ở ngoài đồng ruộng. May là tôi không nản chí, ở lại tìm kế khác mưu sinh”, anh Hưng chia sẻ.

Tình hình Covid-19 sáng 8.9: 6 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, 854 bệnh nhân khỏi bệnh

Đi học thêm nghề  

Anh Đỗ Đức Trường (31 tuổi, quê ở H.Tây Hòa, Phú Yên) cho biết 2 tháng nay đã đi học thêm nghề sửa xe máy. Trước đây, anh là công nhân một công ty nhựa trên đường Thích Thiện Hòa (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM). Từ mức lương 7,5 triệu đồng, anh Trường bị giảm xuống chỉ còn một nửa. Thế là thiếu thốn bủa vây, anh nghĩ đến việc đi học thêm nghề. Sau khi hết giờ làm ca ba (21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau) ở công ty, anh về tranh thủ nghỉ, rồi đến khoảng 10 giờ đến tiệm sửa xe xin phụ việc, qua đó học thêm nghề.
Còn Lê Thành Tâm (28 tuổi, quê ở H.Cái Bè, Tiền Giang) trước đây làm công nhân cho một công ty da giày ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Giờ anh đang làm tài xế cho một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp trên đường Bình Thành (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân).
“Cũng lay lắt qua mấy nghề rồi mới làm tài xế. Mấy tháng trước, tôi cũng khốn đốn lắm, ai thuê gì làm nấy, từ bốc vác cho đến bảo vệ… Trải qua nhiều nghề, vào vai nhiều thợ rồi mới xin được công việc tài xế. Tôi nghĩ nếu không ngại khổ thì cũng không khó để kiếm được công việc mà mưu sinh”, anh Tâm chia sẻ.
Theo anh Tâm, thời dịch giã, chuyện khó khăn là tình cảnh chung của nhiều người chứ không phải của riêng ai. “Nhưng thôi, mình cứ hướng đến những điều tích cực. Chứ cứ ôm nỗi buồn thất nghiệp hoài thì không thể kiếm cơm qua ngày. Cứ lăn lộn tìm công việc khác, có sự cầu tiến và cố gắng, thì chắc chắn sẽ có công việc mới”, anh Tâm nói.

Mong dịch Covid-19 qua mau

Trước đây, cả nhóm Nguyễn Thanh Hiếu, Nguyễn Văn Thanh, Lê Trọng Đại, Trần Phan Vũ (cùng quê Quảng Ngãi) thuê phòng trọ ở chung với nhau trên đường Nguyễn Thị Tú, khu vực ngã tư Gò Mây (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM). Dù mỗi người mỗi công việc, người làm nghề may, người làm công nhân da giày… nhưng đến tháng 6 vừa qua, họ có điểm chung là “thất nghiệp”.
Nhất quyết không chịu khuất phục trước khó khăn, cả nhóm bàn nhau đi tìm cơ hội việc làm ở nơi khác. Dò hỏi nhiều bạn bè đang làm việc ở Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... để xem có nơi nào đang tuyển người, giờ đây, 4 chàng trai này đang làm công nhân cho một công ty đóng hộp rau quả ở xã Long Định (H.Châu Thành, Tiền Giang).
“Thất nghiệp thì ai cũng chán cả. Nhưng chán sẽ khiến cuộc sống bế tắc hơn. Thay vào đó, nên nhanh chóng sốc lại tinh thần, lo đi tìm công việc mới, để có thể kiếm thu nhập”, Đại chia sẻ.
Từng làm công nhân ở một công ty điện tử trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12, TP.HCM) với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó công ty hết đơn hàng, buộc phải giảm nhân sự, Bùi Văn Hòa (25 tuổi, quê ở H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) phải ngừng việc. Thu nhập không còn, trong khi chi phí sinh hoạt vẫn như trước, từ tiền nhà, tiền ăn uống… thế nên Hòa nghĩ đến cách kiếm tiền khác, đó là đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Hằng ngày, Hòa bật app chạy từ 8 - 19 giờ. “Có ngày đông khách, có ngày ít, nhưng vẫn đủ tiền để trang trải. Hồi mới thất nghiệp, mình cũng muốn buông trôi, nhưng sau đó nghĩ lại, mình lên TP.HCM là để kiếm việc làm, kiếm tiền, mà cứ mặc kệ kiểu tới đâu hay tới đó thì không được, nên mình đã tìm cơ hội bằng việc chạy xe”, Hòa nhớ lại.
Bằng câu chuyện của bản thân, Hòa chia sẻ với những ai đã và đang bế tắc, khốn khó vì thất nghiệp: “Hiện nay có đến hàng trăm ngàn người thất nghiệp chứ không phải chỉ là vài trường hợp. Ai cũng khó khăn, khổ sở cả. Quan trọng là tìm cách vượt qua. Công việc ở TP.HCM rất nhiều, nhất là những công việc tay chân. Có thể xin làm phụ bán xăng ở các trạm xăng dầu, bốc vác ở các chợ đầu mối, phụ việc ở các hàng quán, đăng ký đi giao hàng, chạy xe ôm, bán vé số… Việc làm nhiều, chủ yếu là mỗi người có chịu được khổ hay không mà thôi. Nếu chịu được khổ thì không lo đói”.
“Mình hy vọng là dịch Covid-19 không có diễn biến khó lường nữa, để các ngành nghề ổn định trở lại, tuyển dụng công nhân. Khi đó mình sẽ kiếm được việc làm phù hợp, để tết này có tiền mà về quê. Và mình vẫn giữ mãi một ước mơ là sau vài năm làm việc, để dành được một khoản tiền, sau đó thuê mặt bằng bán tạp hóa”, chị Lê Thủy Hương (quê ở H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) ước ao.
Đang phải nghỉ việc không lương, anh Vũ Thanh Tấn (36 tuổi, công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức) cho biết rất mong đến ngày được đi làm lại, mỗi tháng có tiền lương. “Bây giờ thì tôi đang làm tạm công việc phụ ở cửa hàng bán thủy sản, tiền công không nhiều. Mong sau khi hết dịch, tôi được đi làm lại. Rồi làm vài năm, tôi sẽ gom góp đủ tiền… cưới vợ. Chứ bây giờ, lo cái ăn cho bản thân đã khó, nên không dám nghĩ tới chuyện yêu đương”.
Đang trải qua những chuỗi ngày lao đao vì thất nghiệp, nhưng nhiều người trẻ vẫn không mất hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn, đủ đầy hơn sau này. (còn tiếp) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.