Sau khi nghe ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đồng thời là người phát ngôn của tỉnh này, thông báo tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng qua, cuộc họp đã “nóng” lên với nhiều câu hỏi không được đề cập trong báo cáo.
|
Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm hàng đầu của báo giới Khánh Hòa trong thời gian gần đây là tình hình quản lý người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc đang “làm ăn” tại địa phương này.
Trả lời câu hỏi: “Tỉnh Khánh Hòa và các ngành hữu quan của địa phương có thấy sai sót gì không trong việc quản lý người nước ngoài, nhất là để cho các thương lái Trung Quốc công khai nuôi cá lồng bè trên vịnh Cam Ranh suốt trong một thời gian dài nhưng không có động thái can thiệp nào? Và, sau khi dư luận phản ảnh, tỉnh Khánh Hòa đã có hình thức xử lý kỷ luật nào với những sai phạm trên?”, ông Huỳnh Ngọc Bông không trả lời thẳng vào câu hỏi mà “đá” qua cho ông Lê Tấn Bản, Phó giám đốc Sở NN-PTNT. Ông Bản lại chuyển trả lời sang một câu hỏi khác, đó là tình trạng thương lái Trung Quốc đang lũng đoạn thị trường thu mua hải sản.
Theo phản ánh của các báo, hiện thương lái Trung Quốc gồm một nhóm 6-8 người, thường xuyên có mặt tại chợ cá gần cảng Vĩnh Lương (Nha Trang) để mua gom cá vụn không chỉ của Khánh Hòa mà cả ở Phú Yên, với giá “gác” lên 1.000đ-2.000đ/kg.
Bình quân mỗi ngày, nhóm người này mua từ 100-120 tấn cá, chuyển lên xe đông lạnh rồi xuất theo đường tiểu ngạch, “qua mặt” cơ quan thuế, kiểm dịch. Việc thu mua cá vụn vô hình trung khuyến khích ngư dân “tận diệt” các loài hải sản, thậm chí cả san hô vì dùng họ lưới giã cào. Ông Bản thừa nhận là người Trung Quốc đã và đang thu mua cá ở cảng Vĩnh Lương nhưng không chỉ mua cá vụn như báo chí phản ảnh. Việc có mặt của họ để mua cá là “có lợi” cho ngư dân vì có sự cạnh tranh (?).
Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, giải thích việc người Trung Quốc có mặt thường xuyên, thậm chí “lót ổ” lâu dài tại Cam Ranh là do họ đang lách luật. Ông Thân dẫn ra Nghị định 34 ngày 25.3.2008 quy định đối với người nước ngoài lao động tại VN dưới 3 tháng thì không phải cấp phép lao động. Số lao động này đều núp bóng khách du lịch, cứ gần đủ 3 tháng thì họ lại về “đổi phiên”. Vì vậy, theo ông Thân, sắp tới đây, tỉnh Khánh Hòa sẽ kiến nghị với các nhà làm luật là nên quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý lao động là người nước ngoài để tránh tình trạng đáng tiếc như vừa rồi.
“Quan điểm của tỉnh Khánh Hòa là tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài công tác và làm việc tại địa phương một cách tốt nhất nhưng phải tuân thủ luật pháp của VN. Thời gian qua, chúng ta quản lý chưa tốt”. Ông Thân nói.
Trả lời câu hỏi, tỉnh Khánh Hòa đã xử lý kỷ luật những sai phạm của thuộc cấp trong thời gian qua khi để cho thương lái Trung Quốc công khai nuôi cá lồng bè tại cảng Cam Ranh chưa, ông Lê Xuân Thân nói rằng tỉnh đang chờ báo cáo cụ thể mức độ xử lý từ TP Cam Ranh.
Được biết, cách đây gần một tháng (15.6.2012), UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu UBND TP.Cam Ranh phối hợp với các ngành liên quan, xử lý dứt điểm những sai phạm trên vịnh Cam Ranh, báo cáo với tỉnh trong tháng 6.2012 nhưng đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBND TP.Cam Ranh.
Trần Đăng
>> Thương lái Trung Quốc gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng
>> Nhiều thương lái Trung Quốc hoạt động thương mại trái phép ở VN
>> Thương lái Trung Quốc tranh mua khóm
>> Thương lái Trung Quốc thôn tính thạch dừa Bến Tre
>> Thêm nạn nhân tố cáo thương lái Trung Quốc quịt nợ
>> Điều tra vụ thương lái Trung Quốc quỵt nợ
>> Thương lái Trung Quốc quỵt nợ tràn lan
>> Vụ thương lái Trung Quốc mua cua quỵt nợ: Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an
>> Thương lái Trung Quốc mua cua quỵt nợ
>> Thương lái Trung Quốc đổ xô mua gốc ngâu
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu - Kỳ 2: Xứ dừa phải nhập khẩu dừa
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu
Bình luận (0)