Đây là một trong những chính sách thay đổi mới vừa được Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc thông báo chính thức áp dụng trong chính sách lao động mẫu mực thuộc Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS).
Ngày 23.10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc vừa có một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện cho lao động Việt Nam sớm được quay trở lại Hàn Quốc làm việc từ giữa tháng 10.2021.
Lao động Việt Nam có chứng nhận mẫu mực được trở lại Hàn Quốc sớm |
T.HẰNG |
Theo quy định hiện hành, người lao động nước ngoài được chứng nhận là lao động mẫu mực sau khi về nước 3 tháng mới có thể được tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc tiếp 4 năm 10 tháng. Tuy nhiên, Phía Hàn Quốc nhận định trong thời gian 3 tháng người lao động về nước có thể phát sinh nhiều vấn đề đối với doanh nghiệp do không có người làm việc và dễ có thay đổi. Vì vậy, phía bạn rút ngắn thời gian chờ tái nhập cảnh xuống còn 1 tháng.
Ngoài quy định những lao động chỉ làm việc tại một doanh nghiệp trong suốt 4 năm 10 tháng được cấp chứng nhận lao động mẫu mực, Hàn Quốc mở rộng thêm 4 đối tượng lao động mẫu mực, gồm:
Lao động đã thay đổi nơi làm việc nhưng trong suốt 4 năm 10 tháng làm việc liên tục chỉ ở một ngành nghề và hợp đồng của người lao động với công ty hiện tại khi được duyệt phải có thời gian từ 1 năm trở lên.
Lao động đã thay đổi nơi làm việc vì những nguyên nhân không thuộc về người lao động như bị quấy rối, bạo hành… và hợp đồng của người lao động với công ty hiện tại khi được duyệt có thời gian từ 1 năm trở lên.
Lao động đã thay đổi nơi làm việc vì những nguyên nhân không thuộc về người lao động như bị quấy rối, bạo hành… và thời gian hợp đồng với công ty hiện tại khi đươc duyệt dưới 1 năm, nhưng được Cơ quan an toàn nghề nghiệp chứng nhận sau khi xem xét ý kiến kiến nghị từ Hội đồng bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Về lý do đưa ra chính sách sửa đổi trên, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB-XH, cho hay: “Thực tế đã phát sinh một số vụ việc người lao động mặc dù bị phía chủ và doanh nghiệp đối xử không tốt nhưng vì để trở thành lao động mẫu mực đã không dám yêu cầu thay đổi nơi làm việc. Bên cạnh đó, một số chủ sử dụng tuyển dụng được người lao động có tay nghề thành thục muốn tiếp tục tuyển dụng lao động này theo diện lao động mẫu mực nhưng do người lao động đã từng thay đổi nơi làm việc nên đã không thể tuyển được”.
Trước đó, đầu tháng 10, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo Thủ tướng về việc cho phép người lao động đi làm việc theo Chương trình EPS được mua bảo hiểm Covid-19.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đây là giải pháp Việt Nam có thể chủ động triển khai ngay, kịp thời nắm bắt cơ hội gia tăng phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2021 và những năm tiếp theo, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai nghiên cứu nâng mức độ ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, đàm phán với Hàn Quốc và các quốc gia về việc công nhận hộ chiếu vắc xin; thỏa thuận hiệp định tương hỗ về chi phí điều trị Covid-19.
Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, tính đến tháng 9, có 6.779 lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn, ký hợp đồng lao động, trong đó, có 2.303 lao động đã thực hiện ký quỹ nhưng chưa xuất cảnh.
Bình luận (0)