Lao động Việt ở Thái Lan không nhận việc làm hợp pháp

25/03/2018 12:30 GMT+7

Mặc dù chính phủ Thái Lan tạo cơ hội hợp thức hóa cho lao động Việt Nam nhưng vì còn bất cập nên đa số vẫn muốn ở “ngoài vòng pháp luật”.

Hướng về phía những chiếc thuyền cập bến ở cảng cá Samut Sakhon, cách Bangkok 60 km, ông Somboon Trisilanunt chỉ cho phóng viên Thanh Niên những lao động người Myanmar vừa trở về sau một chuyến đánh bắt. Trông họ có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn khá vui vẻ vì được một ngày bội thu. Ông Somboon, thanh tra viên của Vụ Phúc lợi và bảo vệ người lao động thuộc Bộ Lao động Thái Lan, thường xuyên đến cảng để kiểm tra. Nhiệm vụ của ông là bảo đảm lao động nhập cư không bị chủ người Thái ngược đãi hay ăn chặn tiền công.
“Chính phủ Thái Lan có chính sách quan tâm hơn tới lao động nước ngoài. Nhờ đó mà nhiều người quay lại làm việc, nhưng nhiều lúc vẫn thiếu lao động. Chỉ tiếc là không có người Việt nào đến xin việc”, ông Somboon nói với Thanh Niên. Theo ông, người Việt không thích làm nghề đánh cá dù thu nhập không hề tệ, lương tối thiểu 310 baht (220.000 đồng)/ngày. Ông cho biết thêm vẫn còn rất nhiều người Việt đang làm việc bất hợp pháp trên lãnh thổ Thái Lan.
50.000 lao động, chỉ 12 người đăng ký
Từ cuối tháng 2.2018, chính quyền Thái Lan bắt đầu nhận lao động Việt Nam làm việc trong hai lĩnh vực là xây dựng và ngư nghiệp. Đây là kết quả từ thỏa thuận do hai nước ký kết trước đó. Cũng như lao động nước khác, người Việt phải đăng ký với chính quyền nếu muốn làm việc hợp pháp ở nước này trước hạn chót là tháng 7.2018. Theo đạo luật về hợp thức hóa lao động nước ngoài, người vi phạm có thể đối diện 5 năm tù giam, còn chủ sử dụng lao động chui bị phạt đến 800.000 baht (56 triệu đồng). Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng cảnh báo sẽ cương quyết bỏ tù những lao động nhập cư không đăng ký.
Tuy nhiên, ông Sombat Nivesrat, Phó vụ trưởng Vụ Tuyển dụng lao động thuộc Bộ Lao động Thái Lan, cho biết đến nay giới chức mới nhận được một vài hồ sơ đăng ký của lao động Việt Nam. “Theo số liệu chúng tôi có được, hơn 50.000 người Việt đang làm việc tại Thái Lan, phần lớn trong số này là bất hợp pháp, trong khi chỉ mới có 12 người đăng ký trong gần một tháng qua. Điều này cho thấy lao động Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị bắt, bỏ tù, trong khi chính phủ Thái Lan đang tạo điều kiện cho họ làm việc hợp pháp”, ông Sombat nói với Thanh Niên.


Đầu năm 2017, Thái Lan bắt đầu áp dụng luật mới quy định lao động nhập cư phải có giấy phép làm việc, nếu không sẽ bị phạt tù. Chính sách này nhằm ngăn chặn nạn buôn người và bạc đãi lao động nhập cư ở Thái Lan, vốn bị phương Tây chỉ trích nhiều năm qua. Tuy nhiên, hệ quả của luật mới là hàng ngàn lao động nước ngoài bỏ việc, về nước, dẫn đến thiếu lao động nghiêm trọng. Trước làn sóng bỏ việc và áp lực từ giới doanh nghiệp, chính phủ buộc phải nhượng bộ, chỉ yêu cầu đăng ký thay vì xin phép. Theo Bộ Lao động, hiện có hơn 3,8 triệu lao động nhập cư đang làm việc ở Thái Lan và khoảng một nửa trong số này đã đăng ký với chính quyền địa phương, chủ yếu là người Campuchia, Lào và Myanmar.

Theo ghi nhận của phóng viên, người Việt, đặc biệt từ các tỉnh miền Trung, vẫn đổ sang Thái Lan tìm việc chui. Trên các tài khoản mạng xã hội dành cho người Việt sống tại Thái thường xuyên xuất hiện những mẩu quảng cáo tuyển dụng và tìm việc, phần lớn là nghề may, bán hàng, hoặc phục vụ quán ăn, nhà hàng với mức lương khá hấp dẫn.
Bất cập
Anh H.Cảnh, một người làm nghề may hơn 10 năm ở Bangkok, cho rằng đánh cá và xây dựng “không phù hợp với thể trạng và kỹ năng của người Việt”, trong khi thu nhập thì không hơn trong nước. Theo anh Cảnh, nếu làm thợ may thì một người siêng năng có thể kiếm 10 triệu đồng/tháng. “Cho nên dù biết rủi ro, nguy cơ bị bắt cao nhưng nhiều người Việt không muốn từ bỏ công việc hiện tại”, anh nói. Tương tự, anh Hiếu (quê Thanh Hóa) bán hàng rong trên đường Sukhumvit ở Bangkok, nói anh biết thông tin về việc chính quyền sở tại kêu gọi lao động nhập cư đăng ký nhưng anh không đi. “Ở Thái Lan 6, 7 năm nay, từng bị bắt hơn chục lần và cả xe bán hàng bị hốt, nhưng tôi vẫn không muốn thay đổi. Làm xây dựng, đánh cá vất vả lắm mà thu nhập không nhiều, trừ tiền nhà, ăn uống, chẳng còn lại bao nhiêu. Lúc nào còn bán hàng được thì cứ bán, nếu cảnh sát làm găng quá thì trốn”, anh Hiếu vừa tâm sự vừa đảo mắt nhìn xung quanh để đề phòng lực lượng trật tự.
Mặt khác, theo các nguồn tin Thái Lan, tình trạng quan liêu, thiếu máy móc kỹ thuật xử lý thông tin và cả dấu hiệu về nhũng nhiễu khiến lao động nước ngoài ngần ngại khi đi đăng ký. Linh mục Anthony Lê Đức, một người thường xuyên giúp đỡ lao động Việt Nam tại Thái Lan, cho biết ông rất lo lắng cho họ vì sau khi hết hạn đăng ký, cảnh sát sẽ tiến hành chiến dịch truy quét lao động nhập cư và có thể sẽ có nhiều người Việt bị bắt. Theo ông, tình trạng người Việt làm chui sẽ còn kéo dài, trong khi rất khó có khả năng chính phủ Thái Lan sẽ mở rộng cho lao động VN được phép bán hàng hay làm việc trong ngành dịch vụ.
“Người Việt hiểu rủi ro bị bắt rất cao, nhưng chừng nào còn tham nhũng trong giới thi hành công vụ, bao gồm cảnh sát và sở di trú, thì vẫn còn cơ hội để họ kiếm sống trên đất Thái Lan. Về lâu về dài điều này không được, người lao động VN phải chọn cách khác hoặc trở về nước”, linh mục Đức nói với phóng viên Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.