|
Cụ Dương Cẩm Chương sinh năm 1911, là con trai thứ hai của chí sĩ Dương Bá Trạc, quê gốc ở xóm Phú Thị, xã Mễ Sở (Châu Giang, Hải Hưng).
Chí sĩ Dương Bá Trạc là một nhà nho yêu nước, hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, từng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Mãn hạn tù, cụ Dương Bá Trạc bị thực dân Pháp an trí tại Long Xuyên (An Giang) và ông Dương Cẩm Chương được sinh ra ở đây (mẹ là cháu ngoại nhà thơ Chu Mạnh Trinh). Cụ Dương Bá Trạc mất năm 1944 tại Singapore.
Đặc biệt, cụ Dương Cẩm Chương (và con cháu) có quyền tự hào là tên của cha mình và 2 người chú ruột đã cùng được lấy để đặt tên cho 3 con đường ở TP.HCM: Dương Bá Trạc (quận 8), Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) và Dương Tự Quán (quận Bình Tân).
Được thừa hưởng một nền giáo dục tốt từ gia đình (được nhà giáo Dương Quảng Hàm nuôi dạy trong nhà), học trường Bưởi (1925), rồi trường Y khoa Hà Nội (1932), ông Dương Cẩm Chương tốt nghiệp bác sĩ ngành giải phẫu lúc 27 tuổi, là một trong những “đốc tờ” trẻ nhất thời bấy giờ…
Năm 1940, ông lập gia đình với một tiểu thư dòng dõi trâm anh ở Huế: cô Thân Thị Ngọc Quế. Năm 1957, ông Dương Cẩm Chương là Giám đốc Nha Y tế Trung nguyên Trung phần. Đến năm 1960 ông được chọn đi tu nghiệp ở Mỹ.
Nghĩ rằng qua Mỹ sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi nên ông quyết định học vẽ (căn bản kỹ thuật sơn dầu) với họa sĩ Nguyễn Trí Minh (Trường Mỹ thuật Gia Định). Một trong những bức tranh đầu tiên của ông là bức Khu Bàn Cờ - Sài Gòn được thầy dạy vẽ của ông khen ngợi. Bức tranh như “mối tình đầu” ấy theo ông cho đến tận bây giờ…
Như vậy, Dương Cẩm Chương đến với hội họa khi ông đã 50 tuổi. Hơi muộn, nhưng ông “ập” vào hội họa với tất cả nỗi rạo rực, đam mê…
Năm 1968, ông về hưu và sang Pháp định cư. Ông dành thời gian học vẽ thêm ở Mỹ, ở Pháp. Trở thành hội viên Hội họa sĩ Pháp với hơn 20 lần triển lãm cá nhân ở Paris cùng với hàng chục giải thưởng quốc tế. Dương Cẩm Chương không ngồi trong xưởng vẽ mà luôn dịch chuyển khắp nơi với giá vẽ và bảng màu…
Sau 22 năm định cư ở Pháp, năm 1990, gia đình Dương Cẩm Chương về lại quê hương. Việc đầu tiên của ông là xách giá vẽ qua bên kia cầu Chữ Y, quận 8 (TP.HCM) để vẽ con đường mang tên thân phụ mình: Dương Bá Trạc.
Năm 1999, ông được Nhà nước trao tặng huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Với ông, đó là một kỷ niệm đẹp.
Vợ ông - Thân Thị Ngọc Quế (1918-2007), cũng từng là “hiện tượng” trên văn đàn Việt Nam. Sau khi gia đình bà ở Pháp về lại Việt Nam, người ta bỗng chú ý đến những bài thơ của một nữ thi sĩ đã… trên 70 tuổi. Từ đó cho đến lúc từ trần (hơn 15 năm) bà đã in được khoảng 12 tập thơ. Thơ của bà được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc (Dzoãn Mẫn, Phạm Duy, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn, Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu…).
Dù đã rất cao tuổi nhưng cụ Dương Cẩm Chương vẫn luôn minh mẫn, tinh anh cho đến những năm cuối đời. Trừ năm vừa rồi sức khỏe không cho phép, còn những năm khác con cháu đều tổ chức sinh nhật cho cụ, khách mời thường xuyên là GS.TS Trần Văn Khê (nhỏ hơn cụ 10 tuổi), nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương…
Những lúc đó, cụ đứng nói chuyện sang sảng, thật đáng ngưỡng mộ. Sinh nhật lần thứ 102 (ngày 19.12.2012), cụ tặng khách mời và con cháu mỗi người một tập thơ của cụ có tựa là Thi Tâm do NXB Thời Đại vừa mới in xong còn chưa ráo mực.
Trưởng nam của cụ, luật gia Dương Thủy Hoán cho biết: “Tôi may mắn được phụng dưỡng mẹ 8 năm trước khi bà qua đời (2007), còn cụ ông tôi cũng đã săn sóc cụ đến 7 năm trước khi cụ mãn phần”.
Linh cữu cụ Dương Cẩm Chương quan tại tư gia số 121/41 Lê Thị Riêng (quận 1, TP.HCM), nhập quan sáng chủ nhật (10.8), động quan lúc 7 giờ ngày 13.8, hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Sau đó, di cốt sẽ được đem về nghĩa trang của dòng họ Dương tại Mễ Sở (Hải Hưng). |
Hà Đình Nguyên
>> Mở cửa phòng tranh của họa sĩ Đặng Mậu Triết
>> Họa sĩ Nhật Bản được yêu thích
>> Họa sĩ tật nguyền với ngựa
>> Họa sĩ gốc Việt thổi hồn cho Người Dơi
>> 11 nữ họa sĩ VN trưng bày tranh ở triển lãm quốc tế
>> Cô bé khuyết tật ước mơ thành họa sĩ thiết kế
Bình luận (0)