Không lưới nào chịu nổi cá đuối
Là người có gần 40 năm trên biển, lão ngư Trần Từ, 68 tuổi, ở khu phố 11, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đưa ra mấy chi tiết quý báu: “Ai giàu to, ai thắng lớn là từ đúc kết kinh nghiệm hằng năm, rút tỉa ra từ những hiểm nguy đầu sóng ngọn gió”.
Không sớm chịu chết, nó ra sức dùng đôi cánh rộng khoả nước liên hồi, làm chiếc thuyền của ông Từ chao nghiêng như muốn lật úp xuống biển. Hơn một giờ quần nhau với 6 người, con cá đuối mới chịu khuất phục.
Dẫn tôi dạo qua bãi phơi hàng trăm cá đuối, ông Từ bảo, nếu như dân đánh bắt cá ngừ đại dương phải lênh đênh cả tháng trời, thì dân săn cá đuối cũng phải “ăn dầm nằm dề” dài ngày trên biển.
Những năm đầu giải phóng, chẳng ai mặn mà với con cá đuối thì nó nhiều vô kể, đến nỗi ra khỏi cửa biển Liên Hương - Tuy Phong là đã thấy hàng đàn cá đuối lớn nhỏ tung tăng bơi lội.
Vậy mà đến lúc nó được xem là “vàng” thì ngư dân phải vất vả, bất chấp hiểm nguy tìm kiếm tít tận các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa… Cá đuối có hình dáng bên ngoài khá lạ với hình rẻ quạt, đuôi dài và trọng lượng cơ thể có thể đạt tới hàng tấn, là một trong những động vật biển thông minh nhất. Chúng vừa chạy vừa ăn mồi, món khoái khẩu của chúng là ruốc biển.
Mùa rộ cá đuối khoảng từ tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Ông Từ bảo, có lần, chứng kiến cả một vùng biển đỏ ngầu, dày đặc ruốc biển, theo đó là đàn cá đuối bao vây ăn mồi. Có những con đen xám, giống chiếc thúng chai, sức di chuyển ào ạt như tàu công suất 30CV.
Gặp “quái vật” khổng lồ này phải tránh ngay, chứ lưới của mình thì chỉ như… gãi ghẻ cho nó, chẳng khác gì đem chỉ buộc chân voi. Ngư dân “ngán” loài cá này không chỉ bị chúng gieo rắc nỗi kinh hoàng khi đụng phải mà còn bởi một quan niệm tâm linh.
Ông kể, hồi ấy, bắt được một con cá đuối nặng 50 kg, đem vào bán, định bụng có ít tiền mua vài thứ thực phẩm tiếp ứng chuyến đánh bắt dài ngày. Cứ tưởng người ta vui mừng đón nhận, không ngờ bị mắng cho một trận tơi bời. Họ cho rằng loài cá này xui xẻo, ăn nó có nghĩa là rước cái “đuối”, cái “nạn” về cho gia chủ.
Làm tài công từ năm 21 tuổi, ông Từ đã lèo lái con tàu vượt nhiều sóng dữ. Với ông, chuyện tìm cá nhọc nhằn, nhưng công đoạn bắt cá đuối nặng hàng tạ có lẽ ngoạn mục và nguy hiểm hơn.
Khi phát hiện cá đuối, phải lừa cá vào lưới khéo léo nhuần nhuyễn từng công đoạn, biết nhu và cương đúng lúc và hợp lý từng chi tiết. Loài cá đuối tuy hiền lành, nhưng khi mắc lưới chúng trở nên rất dữ dằn. Loạng quạng là nó kéo cả lưới, lôi cả người xuống biển mất tăm.
Cầm miếng cá đuối hình nan quạt, ông Từ tươi cười kể: Hồi ấy, thuyền của ông thuộc loại lớn ở thị trấn Liên Hương, nhưng công suất cũng chỉ 45CV, trang bị rất đơn sơ, không bộ đàm, không định vị, không la bàn. Ông dong thuyền ra khơi, bủa lưới như thường lệ.
|
Trong lúc thuyền đang thu mẻ lưới cuối cùng, cách bờ không xa, bỗng phát hiện một vật màu đen chầm chậm nhấp nhô trong vòng lưới. Lúc đầu mọi người nghĩ đó là xác chiếc thúng chai nổi trôi trên biển.
Thu lưới vào gần, “chiếc thúng” hiện nguyên hình là con cá. Mọi người hoảng sợ la to: “Cá đuối”. Sau phút lưỡng lự và suy tính về “tương quan lực lượng”, ông Từ quyết định bắt cá. Vơ lấy chiếc khấu (một loại móc sắt, giống như lưỡi câu khổng lồ dùng bập vào những con cá lớn để kéo lên tàu), ông bình tĩnh chỉ huy bạn thuyền thu lưới từ từ, lừa con cá vào sát mạn thuyền.
Chọn đúng lúc, cá ngoi lên định thoát thân, nhanh như cắt, ông phóng ngay mũi thép sáng sắc ngọt bập vào bên vai của con vật đen xì, đang bị bọc trong đám lưới.
Con cá “dính chưởng” vùng vẫy điên cuồng. Chiếc khấu thứ hai tiếp ứng, đưa con cá vào thế gọng kìm, đồng thời hàng loạt mũi chĩa nhọn hoắt phóng tới và bao nhiêu thứ vật nặng trên ghe đều được dùng ném mạnh vào đầu con cá nhằm làm cho nó bị chấn thương, choáng váng.
Không đủ sức kéo con cá lên thuyền, ông cho nổ máy chạy chậm lai dắt con cá đuối về bờ biển Liên Hương, huyện Tuy Phong.
Người dân hợp sức đưa con cá lên bờ, ai nấy đều kinh ngạc vì lần đầu tiên thấy cá đuối to đến vậy. Chẳng thể cân được trọng lượng nặng bao nhiêu, nhưng ông đo chiều dài sải vây của nó tới 7 cây đòn gánh.
Khô đuối lên ngôi
Trước đây, làng biển Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) ai cũng phải nể phục sức khoẻ và tài đi biển của ông Từ. Sau 8 năm nghỉ biển lên bờ, người ta lại nể phục ông Từ bởi cái nghề kinh doanh cá đuối duy nhất ở thị trấn Liên Hương.
|
Mùa bấc cũng như mùa nam, những bạn thuyền từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… đều đặn cập bờ, bỏ cá đuối cho ông. Một mùa trăng, cơ sở của ông thu mua và xẻ thịt hơn 15 tấn cá đuối, giải quyết khá nhiều lao động ở địa phương
Tính ông Từ rất cẩn trọng, hàng khô cá đuối của cơ sở ông luôn giữ được chất lượng và uy tín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm từ khâu mổ xẻ, phơi khô và đóng gói, được tiêu thụ khá mạnh tại TPHCM, Tây Ninh, Lâm Đồng…
Ông Từ bảo bây giờ, ngư dân sắm tàu to máy lớn, phương tiện hiện đại, mỗi lần ra biển cả 200-300 tấm lưới, đá lạnh trên 1.500 cây đủ sức bắt được những con cá đuối nặng trên 7 tạ.
Mỗi chuyến ra khơi như vậy, nếu trúng lớn, mỗi tàu có thể kiếm lại vài trăm triệu đồng. Cá đuối đại dương thật sự là “vàng”, đã trở thành mặt hàng rất đắt đỏ, được các nhà hàng lớn săn lùng quyết liệt.
Có nhiều loại cá đuối như ó trơn, nạn, đỏ... có giá trên dưới 300.000 đồng/kg khô tùy loại 1, loại 2. Riêng cá đuối Sao có giá trên 900.000 đồng/kg khô, nhưng khi vào nhà hàng, quán nhậu tính bằng tiền triệu.
Thịt cá đuối có mùi nồng nhưng lượng dinh dưỡng cao và độ ngon thì khó tả phải thử mới biết. Khô đuối thuộc loại quý hiếm, dễ chế biến và có vị ngon mà những vùng nước khác khó so sánh được.
Miếng khô đuối chỉ cần ngâm nước chút xíu, xong nướng lên, lấy chày mà giã cho tơi ra, xé mịn, đem chấm nước mắm me thì bao nhiêu cơm, bao nhiêu rượu cũng hết.
Rời làng biển Liên Hương khi ngư dân đang rộn rã vào mùa, tôi vẫn nhớ câu nói bùi ngùi của ông Từ: “Cá đuối trở thành “vàng”, ngư dân ai cũng vui. Nhưng xa khơi tìm cá, đời ngư phủ mong manh lắm”.
Theo Minh Chiến / Tiền Phong
Bình luận (0)