Không ai nghĩ rằng ngay tại trung tâm TP.Tây Ninh lại xuất hiện vườn chim trời có chủ. “Tôi chỉ bảo vệ được chim khi chúng về đến tổ”, lão nông Hà Huyền Mộng, chủ vườn chim độc nhất vô nhị này, tâm sự.
15 năm làm 'cha nuôi' của chim trời
Khu vườn tràm nước bao quanh căn nhà gia đình ông Mộng (60 tuổi, ngụ KP.4, P.3, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) rộng gần 1 ha hiện đang là nơi cư trú của hơn 2.500 - 3.000 con chim như cò, cồng cộc, sáo, ốc cao... Tính đến nay, gia đình ông Mộng đã có hơn 15 năm tạo khu vườn và thầm lặng bảo vệ những chú chim trời khỏi nạn săn bắt tận diệt. Thế nên, người dân ở đây gọi ông là "cha nuôi" của đàn chim trời.
Một buổi chiều cuối năm 2018, tiếp chúng tôi dưới mái hiên nhà, chốc chốc ông Mộng lại ngóng nhìn lên bầu trời. Chỉ tay lên đàn chim màu đen tuyền đang bay về hướng vườn tràm bên hông nhà, ông Mộng lý giải: “Từ 16 giờ là giờ về của chim cốc, người dân ở đây còn gọi chúng là cồng cộc. Ngày nào mưa thì chúng về sớm hơn, khoảng 15 giờ 30”.
Khu vườn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim khác nhau GIANG PHƯƠNG
Nhấp một ngụm nước, ông Mộng nói tiếp: “Con cò thì thường về lúc 17-18 giờ. Khi về, con lớn sẽ đậu trên cành cao rồi chuyền dần xuống thấp ngủ. Đó là cách chúng tránh giông gió. Còn con nhỏ thì ngủ trên cao hơn. Cứ hôm nào tự dưng thấy đàn cò về sớm bất thường là thể nào hôm đó cũng có mưa giông. Chim sáo thì lúc trời vừa tắt nắng (khoảng 17 giờ đến 17 giờ 30) là về đầy đủ, chúng thường chọn những cây lá rậm để ngủ”.
Nói đoạn, ông Mộng thống kê, cò trắng ở khu vườn có 2 loại. Trong đó, cò ma lúc đậu có màu nâu đất, thân hình nhỏ (khoảng 100-200 gram/con). Đây là giống cò địa phương bởi chúng hay sinh sống quanh quẩn trong vùng. Một loài khác là cò di trú. Chúng có thân hình lớn (300-400 gram/con) và ở những vùng miền khác bay về theo mùa thức ăn.
17 giờ, khu vườn tràm nước nhà ông Mộng bỗng rào rạt những tiếng chim bay và tiếng kêu inh ỏi. Hàng ngàn con chim cồng cộc, cò đổ về từ các hướng sà lên đậu trên những ngọn cây tràm cao vút. Một số đàn cò bay về nhưng không vội về tổ mà đảo qua khoảnh ruộng trống ngay bên cạnh khu vườn để tranh thủ tìm thức ăn.
Chim cồng cộc, còn gọi là chim cốc trú ngụ trong vườn GIANG PHƯƠNG
Khu tràm nước của gia đình ông Mộng trở thành khu vườn trú ngụ cho hàng ngàn loài chim ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Để đến gần hơn nơi ngủ của đàn chim, chúng tôi phải len giữa những cây tràm ngập nước to hơn bắp đùi. Tiếng cò, sáo kêu inh ỏi giữa không gian tĩnh lặng. Dưới những tán cây thấp, những đám cỏ xanh chỉ thấy rõ một màu trắng của phân cò.
'Chim bay đi thì nhớ tụi nó lắm'
Khu vườn của gia đình ông Mộng được rào kín bằng lưới B40 nằm biệt lập ven con ven rạch Tây Ninh. Dù chỉ cách trung tâm TP.Tây Ninh chưa đầy 1km nhưng khó ai có thể tin nơi đây lại tồn tại một khu vườn chim với tuổi đời gần 15 năm.
Ông Hà Huyền Mộng bên vườn chim trời của gia đình mình GIANG PHƯƠNG
Cò về vườn vào mỗi buổi chiều GIANG PHƯƠNG
Nói về cái duyên của người “cha nuôi” bảo vệ chim trời, ông Mộng vui vẻ kể, hơn 15 năm trước, gia đình ông mua được mảnh đất rộng hơn 1,5 ha ở đây. Do vùng này hay bị ngập nước nên ông Mộng quyết định trồng cây tràm nước để sau này có thu nhập.
Ông kể một buổi chiều năm 2004, khi cây tràm được 2 năm tuổi, cao khoảng 3-4 m thì bỗng dưng có một đàn cò khoảng 300-500 con ở đâu bay về ngủ. Nhiều đêm tiếp đó, gia đình ông mất ngủ vì số người lùng săn bắt chim càng lúc càng nhiều. Tiếng súng hơi chát chúa, tiếng ná thun bắn rào rạt trên những tán cây và những tiếng kêu thảm khóc của con chim bị trúng đạn khiến ông Mộng suy tư rất nhiều.
“Lúc đầu, thấy người ta đến bắn chim tôi có kêu người ta đừng bắn nhưng lại bị họ chửi. Họ nói với tôi là chim trời cá nước chứ không phải của tôi nuôi nên tôi không có quyền cấm”, ông Mộng kể.
Thế rồi, ông Mộng bàn với vợ quyết định bỏ tiền mua tổng cộng 560 m lưới B40 để rào toàn bộ khu vườn rộng 1,5 ha. Khu vườn dù được rào chắn nhưng số người săn trộm vẫn xuất hiện ở bên ngoài. Lúc đầu, ông Mộng phải nuôi đến 5 con chó becgie và thường xuyên dẫn chúng đi tuần hết các ngõ ngách khu vườn. Thế nhưng, giới săn bắt lâu dần cũng nản không săn nữa vì không thể lọt vào được khu vườn để nhặt xác chim. Nhờ đó, chim cò từ các nơi về càng nhiều dần. Ngành kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cũng hỗ trợ đến đặt một tấm bảng cấm săn bắt chim ở khu vực bên ngoài vườn chim này.
Cò tranh thủ kiếm ăn ngay khoảnh ruộng bên ngoài khu vườn GIANG PHƯƠNG
Những chú cò thường về ngủ rất đúng giờ GIANG PHƯƠNG
Một con cò ma GIANG PHƯƠNG
Một giống cò di trú GIANG PHƯƠNG
Cũng từ đó, ông không còn ý định bán bất kỳ một cây tràm nào mà đành trồng tre để bán măng. Đến khoảng năm 2015, khu vườn của gia đình ông trở nên quá tải với khoảng 5.000 - 6.000 con cò đậu trắng khắp các ngọn tràm.
Ông Mộng hào hứng nói: “600 cây tràm, 100 bụi tre bát độ bị đàn cò chiếm làm chổ ngủ hết. Nếu như người lạ ở lại một đêm ở đây có lẽ không thể nào ngủ được vì thứ âm thanh mà chúng kêu réo đinh tai, nhức óc suốt đêm”.
Ông Mộng hớn hở nói thêm: “Ở trong khu vườn này tôi cảm thấy cuộc sống mình vô cùng thanh thản. Bởi, cứ vào khoảng tháng Tư âm lịch, cò ở khu vườn này sẽ bay về miền Tây tìm thức ăn. Do ở đó đang mùa gạn đồng (ruộng cạn), mồi rất nhiều. Rồi đầu tháng tám âm lịch, đàn cò lại lũ lượt kéo về lại khu vườn”.
Ông Mộng không giấu được sự vui tươi, bộc bạch: “Chim bay đi thì nhớ tụi nó lắm. Đến tháng tám, hầu như chiều nào tôi cũng phải nhìn lên trời tìm kiếm. Cứ thấy lác đác vài con bay về là trong lòng vui khó tả”.
Theo lời ông Mộng, từ khi có vườn chim ở đây, người dân xung quanh không ai còn săn bắn chim nữa. Bởi vì nó trở thành một phần trong cuộc sống của bà con. Cứ chiều chiều, họ lại cùng nhau ra cánh đồng bên hông nhà ngắm nhìn đàn chim kéo nhau về ngủ.
Ông Mộng luôn theo dõi đàn chim mỗi ngày GIANG PHƯƠNG
Những chú chim tội nghiệp chuẩn bị bán làm thịt tại khu vực cầu Nổi, xã Thanh Điền, H.Châu Thành, Tây Ninh ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Thế nhưng, vào năm 2016, nước lụt lên cao bất thường khiến vườn tre gần như chết hết, tràm nước cũng ngã la liệt. Chỗ trú ngụ của chim bị mất dần khiến hơn một nữa số chim ở đây di tản sang những nơi khác sinh sống. Diện tích đất bị thu hẹp khi mảnh vườn vướng quy hoạch 0,3 ha làm dự án. Cuộc sống gia đình ông phụ thuộc hết vào măng tre thì giờ khó khăn hơn nên gia đình ông đành ngậm ngùi hy sinh bán 0,3 ha cây tràm để có tiền sinh sống.
Vườn chim của ông Mộng được sự ủng hộ của cơ quan kiểm lâm và người dân địa phương ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Ông Mộng buồn bã nói: “Lúc tôi bán một phần vườn tràm, người mua cũng đồng ý với điều kiện mà tôi đưa ra là sau 3 năm mới chặt cây. Tôi chỉ muốn những con chim còn đủ chỗ trú ngụ”.
Bao nhiêu nổi lòng chất chứa bấy lâu bỗng tuôn ra ào ạt, ông Mộng kể: “Vài tháng trước, tôi có nuôi một bầy chim se sẻ khoảng 800-1.000 con. Tháng nào tôi cũng phải để dành 1-2 bao lúa cho chúng ăn. Thế nhưng trước ngày rằm vừa qua, tôi nghe người dân báo lại là có nhóm người đến bẫy lưới ở cánh đồng gần nhà bắt toàn bộ mà thấy buồn lắm. Tôi chỉ bảo vệ được đàn chim khi chúng đã về đến tổ”.
Ông Mộng cũng không giấu được vẻ lo âu: “Chim ở khu vườn này đang giảm qua từng năm bởi chỗ ngủ cho chúng ít dần trong khi nạn mua bán, săn bắn chim trời vẫn còn nhan nhản. Tối tối, ngồi trước nhà mà tôi nghe rõ mồn một thứ âm thanh bẫy các loài chim quốc, cúm núm”.
Ông Mộng luôn trăn trở về nơi cho chim trời trú ngụ GIANG PHƯƠNG
Ông Mộng cũng nhắc đến khu chợ chim ở cầu Nổi, xã Thanh Điền, H.Châu Thành, nơi mà Báo Thanh Niên trước đó từng phản ánh trong bài viết “Tận diệt chim trời... làm mồi nhậu”. Chợt, ông Mộng ánh lên niềm lạc quan, ông nói: “Trước đây, tôi có nghe nói về một dự án mở rộng vườn chim làm điểm du lịch trải nghiệm cho người dân mà gia đình tôi thấy mừng thầm. Nhưng lâu rồi không nghe ai nhắc nữa. Điều tôi mong nhất hiện giờ là có những người khác cùng tâm huyết, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để cùng nhau bắt tay mở rộng thêm diện tích. Từ đó, giữ đàn chim ở lại trên mảnh đất “lành” ở Tây Ninh này”.
Bình luận (0)