Lão nông hiến đất xây trường

28/08/2021 15:00 GMT+7

Vẫn đôi chân đất ngày ấy, vẫn đôi bàn tay lam lũ gân guốc và chai sạn, bởi lão nông Nguyễn Văn Chính đã quen lao động nặng nhọc, quen dãi dầu sương gió...

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ngày ngày ông bà Nguyễn Văn Chính vẫn cùng nhau cuốc đất trồng rau, nuôi cá, thả gà... cùng nhổ cỏ, chăm sóc ít ruộng của gia đình.
Cuộc sống giản dị, khó khăn nhưng ít ai biết được rằng gia đình lão nông ấy đã từng hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng trường học. Hành động tốt đẹp đó đã tạo điều kiện cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập, rèn luyện.
Ông bà còn nhớ như in cái ngày hôm ấy, ngày mà ông bà qua nhà hàng xóm mượn chiếc xuồng ba lá và chiếc máy Cu-le 4 (Kohler 4) cũ kỹ, đi gần hết nửa buổi sáng mới tới xã để trình bày nguyện vọng xin được hiến đất xây trường.

Trường Tiểu học 3 Khánh Hải (Cà Mau)

Ảnh: TGCC

Vượt qua gian truân để đến trường

Ngày ấy, các em học sinh đi học qua nhà ông bà theo đường mòn lầy lội, cỏ ống mọc cao che khuất đầu người, đứa nào đứa ấy lội bì bõm, nhìn mà tội nghiệp... Có đứa dùng cây để khiêng cái bọc ni-lon đựng sách và dép, cái quần vá chằng vá chịt chúng quàng lên cổ, áo xống lấm lem nhưng khuôn mặt thì tươi roi rói, háo hức đi học chứ nhất định không chịu ở nhà. Ngày nào cũng có vài đứa chạy vô nhà ông bà xin rửa chân, rửa cặp, rồi lau chùi sổ sách… Nhìn cái bọc sách nước tong tong chảy mà khóe mắt bà cay cay.
Ông bà quê ở Nam Định (Hà Nam Ninh cũ). Năm 1977, tỉnh Hà Nam Ninh kết nghĩa với tỉnh Minh Hải (nay tách thành tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau), đến năm 1979 theo chủ trương của Nhà nước, Nam Định đưa dân đi làm kinh tế mới tại Minh Hải. Gia đình ông Nguyễn Văn Chính đến vùng đất Kinh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời khai hoang lập nghiệp.
Lúc mới vào, Nhà nước cấp đất chia theo nhân khẩu, mỗi người được cấp hai công đất, mỗi công là 1000m2. Gia đình ông Chính lúc ấy có 5 người, được cấp 10 công đất ruộng. Chân ướt chân ráo còn rất nhiều khó khăn, gia đình ông cũng cố gắng làm được mái nhà lá tạm bợ, ổn định và bắt đầu công cuộc khai thác ruộng đất.
Khu vực này hình thành chợ nhóm, người ta gọi là chợ Huế, gần đó có vài cái phòng học tềnh toàng bằng cây lá địa phương. Năm 1994, xã Khánh Hải xây dựng Trường Tiểu học C Khánh Hải (nay là Tiểu học 3 Khánh Hải). Tuy gọi là trường, có lớp hẳn hòi nhưng vẫn chỉ là mấy căn nhà lá tạm bợ, bàn ghế là những miếng gỗ tạp do phụ huynh đóng góp. Khó khăn trăm bề, không có điện, muỗi vo ve như “sáo thổi”, ếch nhái kêu não lòng, lũ trẻ ngồi học dưới ánh đèn dầu le lói. Ngày ngày chúng vắt vẻo đi qua những chiếc cầu khỉ đến trường, cầu bê tông chỉ là giấc mơ “xa xỉ” đối với lũ trẻ vùng quê nghèo.
Những gia đình đông con đa số bỏ học giữa chừng, lý do vì trường quá xa, phụ huỳnh dắt con đi học rồi ngồi ở ngoài chờ con học xong thì dắt về. Trường cấp ba thì cả huyện mới có một trường, có đứa trên 12 tuổi mà cái chữ cắn làm đôi cũng không biết... Thương cái nghèo, đói cơm đói chữ, các thầy cô giáo ở đây phải chèo thuyền đến từng nhà vận động người dân cho con đi học xóa mù chữ.
Cả xã chỉ có một trường cấp hai ở trung tâm, cách nhà ông bà 9km. Con trai và con gái út của ông bà cũng phải men theo bờ kênh để đi học, thức dậy từ khi gà gáy, đi mất gần 3 giờ đồng hồ mới tới trường. Chúng phải mang cơm nắm theo để ăn trưa, trời tối thui mới về tới nhà. Con đường đi tìm cái chữ, học làm người để thoát đói nghèo vô cùng gian truân vất vả.

Bằng khen và kỷ niệm chương của UBND tỉnh Cà Mau trao tặng gia đình ông Chính

Ảnh: TGCC

Ấm lòng khi hiến đất xây trường 

Nhìn những cảnh tượng xót xa đó, tháng 8.2003, ông bà quyết định hiến 5.774,8m2 đất để xây dựng trường, đến tháng 2.2004 thủ tục mới hoàn thành. Niềm vui tràn ngập đến với ông bà và con em ở đây khi tháng 9.2009, một ngôi trường cấp hai khang trang mọc lên sừng sững, các cháu của ông bà và bạn bè của chúng được đi học gần hơn. Nhìn chiếc khăn quàng đỏ cùng áo trắng bay bay, những đôi má hây hây, nụ cười ngây thơ trong nắng..., ông bà Chính mãn nguyện vô cùng.
Đến năm 2020, do số lượng học sinh cấp hai quá đông, trường không đủ phòng học nên UBND huyện đã thống nhất hoán đổi vị trí giữa Trường Trung học cơ sở 2 Khánh Hải với Trường Tiểu học 3 Khánh Hải. Mảnh đất mà ông bà hiến nay là trường Tiểu học 3 Khánh Hải. Ngày ngày nghe tiếng trẻ đọc bài, học hát, nhìn chúng đông vui túa ra sân như bầy chim non mà ông bà ấm áp cõi lòng.
Hiện tại, các con của ông bà đều đã trưởng thành, cuộc sống tạm ổn, cùng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tại đây. Có hai người con ở gần, giúp đỡ ông bà lúc tuổi xế chiều. Riêng ông bà, vẫn giữ bản chất của người nông dân, lam lũ, chân lội đất, trán lấm mồ hôi, ngày ngày hăng say lao động bên những công đất ruộng còn lại.
Với nghĩa cử cao đẹp đó, gia đình ông Nguyễn Văn Chính nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền về tấm gương người tốt việc tốt. Có lẽ niềm vui lớn nhất của ông bà là được nhìn các em nhỏ vùng quê nghèo này đi học theo cách tốt nhất, nghe các cháu ví von bài thơ quê hương, đọc to Năm điều Bác Hồ dạy mà thấy tự hào.
Tương lai sẽ có nhiều ngôi trường mới mọc lên, sẽ không còn những con đường mòn lầy lội trơn trượt, thay vào đó là những đường lộ bê tông, nhựa phẳng lì… mở lối đến tương lai cho các thế hệ trẻ. Các em nhỏ sẽ là những mầm xanh có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp hơn như mong mỏi của ông bà Nguyễn Văn Chính.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.