- Tuổi cao, nhưng ngày nào cụ Võ Văn Lộc cũng rong ruổi khắp đường quê cùng anh em trong Hội Thiện nguyện xây dựng cầu, đường H.Lai Vung để vá đường, bắc cầu cho người dân và học sinh lưu thông an toàn thuận tiện.
Không chỉ được cảm phục bởi tấm lòng thiện nguyện, vợ chồng cụ Lộc còn khiến nhiều người thán phục bởi vươn lên từ khốn khó để nuôi các con ăn học thành tài. Gia đình cụ hiện có 18 người (con, cháu, dâu, rể) theo nghề giáo. Về học vị, có một người con là tiến sĩ, 3 thạc sĩ, còn lại là cử nhân.
Cụ Lộc kể: “Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm. Khi ra riêng, hai vợ chồng được cha mẹ cho mấy công đất ruộng nhưng làm mãi cũng không dư dả, trong khi các con lần lượt ra đời. Chúng tôi tự nhủ, dù nghèo cỡ nào cũng phải ráng nuôi các con ăn học thành tài để sau này không phải khổ”.
Cụ Lộc (bên trái) trên cây cầu do cụ và các thành viên trong hội vận động kinh phí và đóng góp công sức xây dựng |
DUY TÂN |
Yêu quý nghề giáo viên nên vợ chồng cụ Lộc hướng các con theo học nghề này. Mặt khác, thời đó học sư phạm không phải đóng học phí nên vợ chồng cụ dành dụm tích cóp mới có điều kiện nuôi 10 người con ăn học. Thấy cha mẹ cực khổ, các con cụ đều ý thức chăm ngoan, học giỏi. Từ đó, mỗi người lần lượt theo nghề giáo, thành đạt, rồi đến con, cháu sau này cũng nối nghiệp.
Năm 2008, nhận thấy nhiều cây cầu tạm bợ tại địa phương xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đến trường của các cháu học sinh, cụ Lộc đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện chuyên làm đường, bắc cầu từ thiện và duy trì hoạt động đến nay với gần 100 thành viên, giúp người dân và học sinh di chuyển an toàn, thuận lợi hơn. Nói về việc xây cầu, cụ Lộc kể: “Lúc đó, những cây cầu ở địa phương xuống cấp rất nhiều, chứng kiến các cháu học sinh lặn lội vác xe qua cầu khỉ chênh vênh, đi lại khó khăn, thế là tôi vận động anh em đứng ra xây cầu bê tông. Việc làm thiết thực nên anh em hưởng ứng nhiệt tình rồi gắn bó đến nay”.
Cụ Lê Văn Út (71 tuổi), phụ trách kỹ thuật bắc cầu của Hội Thiện nguyện xây dựng cầu, đường H.Lai Vung, kể những ngày đầu thành lập, do còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nên chỉ bắc được những cây cầu dưới 1,5 tấn. Còn hiện tại thì đã bắc được những cây cầu có tải trọng hơn 5 tấn.
Suốt 14 năm qua, với nhiệt huyết của mình và những thành viên trong hội, cũng như sự chung tay góp sức của nhiều nhà hảo tâm, cụ Lộc cùng các thành viên đã bắc hơn 200 cây cầu bê tông, hơn 50 cây cầu gỗ và làm hàng ngàn mét đường giao thông nông thôn. Để tiếp tục hành trình thiện nguyện, cụ Lộc mong ước: “Tôi chỉ mong sao anh em trong Hội luôn có sức khỏe tốt để nơi nào có nhu cầu bắc cầu, sửa cầu, làm đường thì mình đến làm miễn phí. Còn nếu thiếu tiền thì anh em cùng nhau vận động. Vùng này sông nước chằng chịt, mong các nhà hảo tâm cùng chung tay với địa phương trong việc bắc cầu, làm đường nông thôn”.
Bình luận (0)