Ngày 22.6, tin từ UBND TP.Cần Thơ cho hay, lãnh đạo thành phố vừa ký ban hành quyết định về việc thành lập Ban quản lý (BQL) nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch.
Theo quyết định, BQL do ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, làm Trưởng ban. Các Phó ban gồm: bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ; ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Sở Công thương Cần Thơ; ông Nguyễn Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND Q.Cái Răng. Ngoài ra còn có 12 thành viên khác là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thuộc TP.Cần Thơ.
Nhiệm vụ của BQL là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch.
Đặc biệt, tham mưu UBND thành phố, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về các nội dung có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch…
Cùng với đó là phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị chợ nổi Cái Răng; đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu chợ này.
Ngoài ra, BQL còn có nhiệm vụ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng. Báo cáo báo cáo UBND, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch, định kỳ (6 tháng, năm) hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, nằm cách bến Ninh Kiều khoảng 30 phút ngồi tàu du lịch. Hằng ngày, ngoài ghe chở khách du lịch tham quan, chợ nổi Cái Răng có khoảng 200 - 300 ghe thương hồ neo đậu buôn bán với các mặt hàng chủ yếu là nông sản, rau, củ, quả. Ngoài ra còn có một số bè nổi chuyên phục vụ du khách ăn, uống, trải nghiệm nghề làm hủ tiếu, bánh tráng, kẹo dừa, quà lưu niệm… Năm 2016, chợ nổi Cái Răng đã được Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, giao thương đường bộ phát triển, lượng ghe thương hồ sụt giảm, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh như rác thải, môi trường, giá cả… Chợ nổi Cái Răng đã và đang đứng trước nhiều thách thức có thể mai một. Đó cũng là lý do, nhiều năm nay TP.Cần Thơ loay hoay tìm cách để bảo tồn phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ nổi Cái Răng.
Bình luận (0)