Chúng tôi có dịp tới bản Sa Ná (xã Na Mèo, H.Quan Sơn, Thanh Hóa) vào độ người dân trong bản đang ngày thu hoạch lúa xuân hè.
Gần 2 năm (tháng 8.2019) sau trận lũ quét lịch sử tàn phá, bản Sa Ná đã có nhiều đổi thay nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chính quyền các cấp và nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân.
Cạnh con đường bê tông dẫn vào bản mới được xây dựng, chính quyền đã cho xây dựng bia nhắc nhớ về trận lũ lịch sử xảy ra sáng 3.8.2019, cướp đi tính mạng 10 người dân và tàn phá 51 ngồi nhà.
|
Trên bảng bia ghi dòng chữ: “Khu vực đã xảy ra thiên tai (lũ quét) làm 10 người chết và 51 ngồi nhà bị hư hỏng, cuốn trôi”. Việc làm này nhằm nhắc nhở cho người dân hiện tại và các thế hệ tương lai đừng quên nơi đây đã từng phải hứng chịu những đau thương, mất mát vô cùng nặng nề do thiên tai gây ra.
Và cũng từ quá khứ đau thương đó, nhắc thế hệ tương lai hãy hành động, đối xử thân thiện với thiên nhiên, giữ gìn những cánh rừng đầu nguồn để không còn cảnh tang tóc, khóc thương đến xé lòng giữ núi rừng miền tây như gần 2 năm trước.
|
Đau thương xin gác lại và dường như người dân bản Sa Ná sau tai họa đã gồng sức mình lên để vượt qua khó khăn, tự đứng lên từ chính nơi hoang tàn, đổ nát ngày nào. Minh chứng rõ nhất là bản Sa Ná hiện nay đã trở thành bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chị Vi Thị Hợp (33 tuổi, ngụ bản Sa Ná) đang tất bật tỉa từng hạt giống lúa nếp nương sau khi thu hoạch lạc, cho hay: “Sau trận lũ, toàn bộ ruộng của người dân trong bản đều bị đất đá, cành cây vùi lấp. Cả 51 hộ bị ảnh hưởng bởi trận lũ không còn đất canh tác, cuộc sống cảm thấy bế tắc lắm. Nhưng rồi nhờ chính quyền các cấp quan tâm, cùng với người dân đến nay đã cải tạo lại được toàn bộ đồng ruộng, tuy không nhiều những cũng phần nào đảm bảo đời sống cho dân rồi”.
|
Sau trận lũ, chính quyền đã huy động máy móc, nhân lực cùng với người dân thu dọn đổ nát, tìm lại ruộng đồng.
Ông Lương Văn Mơng (53 tuổi, ngụ bản Sa Ná) nói: “Nay chính quyền phân chia tạm cho mỗi gia đình 1.000 m2, hộ nào cũng giống hộ nào, để trồng lúa và rau màu. Ngoài làm ruộng, chúng tôi còn trồng luồng và các loại cây lâm nghiệp khác. Kinh tế cũng dần dần ổn định, còn nhà cửa các thứ thì ổn định rồi, kiên cố rồi. Tôi cũng nhắc nhở con cháu trong nhà hãy bảo vệ thiên nhiên, không tác động xấu đến rừng để không còn lũ quét xảy ra”.
|
Theo thông tin từ UBND xã Na Mèo, sau trận lũ, các cấp chính quyền cùng với nhà hảo tâm, người dân đã huy động được hơn 50 tỉ đồng để đầu tư lại toàn bộ hạ tầng đường giao thông trong bản. Do đó, từ những khóm dân cư bị đứt đoạn bởi đồi núi, đất đá lởm chởm nay đã không còn nữa.
Sa Ná - bản người Thái dưới chân núi Luốt Mu, thật sự đã hồi sinh sau lũ dữ.
Bình luận (0)