Tai nạn trên cao tốc có nhiều nguyên nhân
Tham luận tại Hội thảo khoa học "Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc - thực trạng và giải pháp" do Cục CSGT (C08) Bộ Công an tổ chức sáng 19.3, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên đường cao tốc. Cụ thể, có thể do lỗi của phương tiện, lỗi của đường không đảm bảo an toàn hoặc lỗi của lái xe, cũng có thể là lỗi hỗn hợp của các yếu tố này.
Theo TS Tạo, tai nạn giao thông trên cao tốc phần lớn do lái xe vi phạm các quy định khi điều khiển phương tiện. Các tài xế cần tuân thủ các quy định, không chạy xe trên làn khẩn cấp, tuân thủ quy định về khoảng cách, dừng đỗ đúng quy định, không chạy ngược chiều, không lùi xe trên cao tốc, không vượt ẩu, chạy đúng tốc độ…
TS Tạo cho hay, đường cao tốc hoàn chỉnh theo quy định thì cơ bản không có lỗi. Đối với đường cao tốc còn thiếu một hay một số hạng mục cần bổ sung gấp khi có điều kiện, trước mắt cần lắp các biển cảnh báo để lái xe có thể xử lý an toàn.
Đối với đường cao tốc phân kỳ, TS Tạo cho rằng đây là con đường có nhiều ý kiến tranh luận. Ông Tạo đồng ý việc làm cao tốc phân kỳ là phù hợp với nguồn kinh phí hiện có và đáp ứng được nhu cầu đi lại, nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng miền. Tuy nhiên, quá trình khai thác sẽ có bất cập và việc tổ chức giao thông trên cao tốc dạng này có thể không còn phù hợp, điển hình như cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
"Cao tốc phân kỳ chỉ phát huy được công năng khi lưu lượng xe chạy chưa cao", TS Tạo nhận định.
Hiến kế giảm tai nạn, ùn tắc trên cao tốc phân kỳ
Để đảm bảo giao thông thông thoáng hơn, giảm ức chế của lái xe chạy quá lâu sau xe chạy chậm, TS Tạo cho rằng cần xem xét tổ chức lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và các cao tốc phân kỳ có tính chất tương tự.
Cụ thể, cần trang bị hệ thống chiếu sáng ban đêm; bổ sung, điều chỉnh các biển báo, hướng dẫn giao thông cho phù hợp tình hình và kết cấu một đoạn đường; thay vạch nét liền giữa làn xe chạy và làn dừng khẩn cấp bằng nét đứt để các xe được chạy sát mép đường; thay nét liền ở tim đường giữa 2 chiều xe chạy bằng nét đứt tại các đoạn đường thẳng, thoáng tầm nhìn để tạo điều kiện cho các xe chạy nhanh có thể vượt khi thấy đủ điều kiện an toàn.
TS Tạo cũng đề xuất đường cao tốc phân kỳ cần đầu tư bổ sung các hạng mục còn thiếu để có tuyến cao tốc hoàn chỉnh. Nếu chưa có điều kiện đầu tư thì xem xét điều chỉnh các vạch sơn như trên để nâng cao năng lực thông hành và tạo điều kiện thông thoáng cho các xe tránh vượt, góp phần nâng cao an toàn trên cao tốc dạng này.
Ngoài ra, theo ông Tạo, cần tăng cường công tác đào tạo lái xe trên đường cao tốc, đặc biệt là kỹ năng vượt an toàn và kỹ năng điều khiển phương tiện trên cao tốc. Hiện kỹ năng này chưa được giảng dạy. Cạnh đó, cần bổ sung hệ thống chiếu sáng tại các nơi còn thiếu, hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với kết cấu đường và tình hình giao thông trên từng đoạn.
Lắp đèn tràn lan trên cao tốc là lãng phí
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), nêu rõ Cục Đường bộ luôn muốn khai thác những tuyến đường có 6 làn xe với đầy đủ tiêu chuẩn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên buộc phải đầu tư phân kỳ một số tuyến có lưu lượng chưa cao và chạy qua khu vực có địa hình khó khăn.
Nhìn nhận việc đầu tư các cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn, đồng thời cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục sẽ gây ùn tắc kéo dài khi xảy ra sự cố, ông Thắng thông tin, trong quý 1/2024, Bộ GTVT sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc. Khi có quy chuẩn này chắc chắn sẽ không còn cao tốc 2 làn xe nữa mà đầu tư phải tối thiểu 4 làn xe.
Về trang bị hệ thống chiếu sáng trên cao tốc, ông Thắng cho rằng khi tham gia giao thông trên cao tốc thì người điều khiển phương tiện đi theo biển báo, vạch sơn..., đường cao tốc cũng không có giao cắt đồng mức, không có phương tiện thô sơ đi vào nên đầu tư đèn chiếu sáng toàn tuyến là lãng phí.
"Quy định, quy chuẩn đã nêu rõ lắp đèn chiếu sáng tại các khu vực trạm thu phí, trạm dừng nghỉ, nút giao, cầu vượt, hầm..., còn đối với đường thẳng thì xe chạy đủ vạch sơn, biển báo là đảm bảo an toàn", ông Thắng phân tích và chỉ ra, theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, lắp đèn chiếu sáng nhiều, tràn lan còn gây ô nhiễm ánh sáng.
Bình luận (0)