Lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

05/04/2021 07:00 GMT+7

Hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và đã được triển khai ở hơn 50 tỉnh thành cả nước. Riêng tại TP.HCM từ tuần qua bắt đầu thí điểm tới người dân.

Việc triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) do Sở Y tế TP.HCM chủ trì, bắt đầu thí điểm cho khoảng 22.000 nhân khẩu ở P.27 (Q.Bình Thạnh), thời gian hoàn thành dự kiến vào quý 2/2021. Theo lộ trình của TP.HCM, trong năm 2021 có 24 phường, xã trên địa bàn được triển khai và đến 2025, người dân toàn TP được lập HSSKĐT.

3 giai đoạn hoàn thiện

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết phần mềm cho HSSKĐT đã được Bộ Y tế xây dựng, và lộ trình lập được Sở chia thành 3 giai đoạn.

Sở Y tế sẽ tạo ra một ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân trên điện thoại thông minh. Người dân đã khai báo HSSKĐT, khi cần kiểm tra lại thông tin thì sẽ vào ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân để theo dõi, thậm chí có thể bổ sung thông tin mới nếu có, hoặc trước đó chưa ghi vào

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Theo đó, giai đoạn 1 lập dữ liệu hành chính của HSSKĐT có mã định danh. Giai đoạn này sử dụng dữ liệu sẵn có từ nguồn dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế chuyển về các sở y tế, trong đó mã định danh cho HSSKĐT được Bộ Y tế chọn là số thẻ BHYT. Tuy nhiên, dữ liệu này không bao gồm danh sách người dân chưa tham gia BHYT. Về cơ bản, giai đoạn 1 đã xong phần dữ liệu của người dân tham gia BHYT và tiếp tục bổ sung, cập nhật dữ liệu của người dân chưa tham gia BHYT.
Giai đoạn 2 chuẩn bị triển khai, sẽ lập dữ liệu về tiền sử sức khỏe và các thông tin cơ bản về sức khỏe, do chính người dân khai báo thông tin qua điện thoại thông minh với giải pháp sử dụng mã QR code (tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí thực hiện nhưng chất lượng dữ liệu sẽ đảm bảo chính xác hơn khai báo thủ công). Ở giai đoạn này, việc cập nhật dữ liệu dân cư theo thời gian thực là rất cần thiết. Sở Y tế cũng đã có kế hoạch liên thông dữ liệu dùng chung của TP.HCM, trong đó có ngành y tế. Ngoài ra, Sở Y tế đã xây dựng app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để chính người dân có thể dùng mã QR code truy cập, tự bổ sung, cập nhật tình hình sức khỏe cơ bản của mình khi thấy cần thiết (ví dụ như dị ứng thức ăn, nhóm máu…).
Giai đoạn 3 cập nhật, liên thông dữ liệu sức khỏe khi người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế, các phòng khám của các cơ sở y tế khác, hoặc sau khi nhập viện điều trị tại các bệnh viện. Đây là giai đoạn hoàn chỉnh của HSSKĐT.
Lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

Lãnh đạo Q.Bình Thạnh trải nghiệm khai báo hồ sơ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh

ẢNH: DUY TÍNH

Người dân được lập dữ liệu miễn phí

Sở Y tế cho biết theo quy trình thu nhập dữ liệu cơ bản ban đầu, UBND phường và đơn vị nghiệp vụ của Sở lập danh sách người dân thường trú, tạm trú trên 6 tháng tại địa bàn, gửi về Sở Y tế. Sở sẽ tạo QR code và mã số HSSKĐT (là mã số BHYT), in ra và phát cho từng hộ gia đình, người dân (kèm tờ hướng dẫn chi tiết) thông qua cán bộ phường, xã. Mỗi người dân 1 mã số nên khi quét QR code đăng nhập thì sẽ được gửi tin nhắn OTP để đăng nhập vào.
Một điều đặc biệt là người dân tự khai báo thông tin sức khỏe cơ bản qua phần mềm trên điện thoại thông minh. Các thông tin sức khỏe cơ bản được người dân tự khai báo trên ứng dụng gồm: cân nặng, chiều cao, dữ liệu về huyết áp, tiền sử bệnh tật… Sẽ có số điện thoại để người dân khi cần thắc mắc gọi để được giải đáp, hướng dẫn. Người dân không phải tốn bất kỳ chi phí nào cho công tác lập HSSKĐT.
Những người cao tuổi, neo đơn, người không có điện thoại thông minh sẽ được cán bộ phường, xã, tổ dân phố hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hỗ trợ cho đối tượng này, mà chỉ có người được cấp quyền mới được làm. Trước khi thực hiện, Sở Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ phường, xã để triển khai cho người dân.
“Sở Y tế sẽ tạo ra một ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân trên điện thoại thông minh. Người dân đã khai báo HSSKĐT, khi cần kiểm tra lại thông tin thì sẽ vào ứng dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân để theo dõi, thậm chí có thể bổ sung thông tin mới nếu có, hoặc trước đó chưa ghi vào”, ông Thượng nói.
Theo Bộ Y tế, HSSKĐT bao gồm các thông tin tiền sử sức khỏe cơ bản (nhóm máu, chiều cao, cân nặng...), là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế, bảo đảm mỗi người dân có một HSSKĐT.
HSSKĐT thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân, từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mục tiêu đến 2025, 95% người dân trên toàn quốc có HSSKĐT, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước.
Theo Sở Y tế, khi hoàn thành giai đoạn lập dữ liệu về tình hình sức khỏe cơ bản của người dân, ngành y tế TP.HCM sẽ có những thông tin quan trọng về tình hình sức khỏe của người dân TP, như tỷ lệ người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, ung thư, tim mạch… Ngoài ra còn biết tỷ lệ người dân đã tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, ngay cả vắc xin Covid-19… Đây là cơ sở quan trọng và thật sự có ý nghĩa để TP.HCM có những chính sách, kế hoạch trọng tâm, hành động cụ thể… nhằm không ngừng nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
“Yếu tố bảo mật thông tin sức khỏe đã được đặt ra ngay từ đầu, được cá nhân hóa. Khi có ứng dụng (dự kiến trong quý 2/2021), việc dùng mã QR code khai báo qua điện thoại thông minh buộc phải nhập mã OTP để khai báo (tương tự như việc truy cập, cập nhật thông tin trong HSSK cá nhân)”, ông Thượng nhấn mạnh khi có lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Thế giới đẩy nhanh ứng dụng HSSKĐT

Theo dự báo của Công ty tư vấn Grand View Research (Mỹ), thị trường HSSKĐT trên thế giới ước tính sẽ đạt 40,5 tỉ USD vào năm 2027, với tỷ lệ tăng trưởng gộp hằng năm là 4,8%. Hồ sơ sức khỏe điện tử dựa trên nền tảng web được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường, nhờ sự tiện dụng tại các nhà thuốc, phòng thí nghiệm nhỏ và các phòng khám, khi không đòi hỏi nhiều về hạ tầng phần cứng.
Các nước Bắc Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất trong doanh thu từ thị trường HSSKĐT toàn cầu vào năm 2019, nhờ hạ tầng y tế tốt và các sáng kiến của chính phủ về quản lý sức khỏe. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2020 - 2027 nhờ sự phát triển của hạ tầng y tế, chẳng hạn như tại Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo xu hướng triển khai ứng dụng của HSSKĐT, tháng trước Hội đồng châu Âu đưa ra khuyến cáo về cơ chế trao đổi HSSKĐT tại khu vực này, nhằm kết nối dữ liệu y tế xuyên biên giới. Khuyến cáo đề xuất hỗ trợ các nước thành viên nhằm đảm bảo công dân có thể tiếp cận và trao đổi dữ liệu y tế tại bất cứ nơi nào ở châu Âu. Điều này sẽ giúp khách hàng nhanh chóng truy cập và chia sẻ dữ liệu cho các chuyên gia y tế, chẳng hạn như khi cần tư vấn về sức khỏe hoặc cần điều trị khẩn cấp khi đang ở nước ngoài.
Tại Singapore, Hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai vào năm 2011, lưu lại thông tin về sức khỏe và những lần khám, chữa bệnh, xét nghiệm và điều trị, với Dịch vụ Nhận diện y tế quốc gia (NHIS) thống nhất dữ liệu từ mọi lĩnh vực y tế trên cả nước. Theo trang Healthcare IT News, hệ thống đặc biệt chú trọng vấn đề an ninh và riêng tư, khi cho phép truy cập theo chức năng, sắp xếp mức độ nhạy cảm của dữ liệu cũng như chức năng “phá cửa”, giúp các chuyên gia y tế tiếp cận thông tin của bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. Dựa trên tổng kết vào năm 2018, cơ quan chức năng Singapore sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp cải thiện hạ tầng an ninh liên quan Hồ sơ sức khỏe điện tử trước thời điểm cuối năm nay.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.