Lập hội đồng bốc thăm bài thi để tránh gian lận?

14/09/2018 20:23 GMT+7

Năm 2019 công tác chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ không giao cho giáo viên địa phương chấm thi.

Phát biểu trong tọa đàm “Đổi mới thi, thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quốc hội ngày 13.9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết công tác chấm thi năm sau sẽ có sự điều chỉnh. Cụ thể, giáo viên sẽ không chấm thi ở địa phương mình để đảm bảo khách quan.

Trước thông tin điều chỉnh này, ý kiến đại diện nhiều trường ĐH bày tỏ sự tán đồng với hy vọng có một kỳ thi khách quan, khắc phục những tiêu cực và gian lận trong công tác chấm thi THPT quốc gia vừa xảy ra năm nay.

Thành lập 5-6 hội đồng bốc thăm bài thi

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, nói: “Cả 2 điều chỉnh Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra thực hiện trong năm sau đều đúng với đề xuất của tôi trước đó. Cụ thể là không giao địa phương chấm thi học sinh của mình; không xem giảng viên trường ĐH, CĐ địa phương là lực lượng trường ĐH tham gia hỗ trợ coi và chấm thi”.

Riêng về đổi mới chấm thi, PGS-TS Trần Hoàng Hải đề xuất nên thành lập 5-6 hội đồng để mã hóa bài thi trước khi các sở GD-ĐT bốc thăm nhận bài thi về chấm. Bài thi chấm xong chuyển lại hội đồng thực hiện ráp phách, khi đó tất cả các địa phương chấm thi mà không biết mình đang chấm bài của địa phương nào.

Lý giải sự ủng hộ này, theo PGS-TS Hải: “Việc chấm thi do địa phương thực hiện cho chính học sinh của mình sẽ không thể khách quan. Tuyệt đại đa số thầy cô đều tốt nhưng vẫn sẽ có số ít bị tình cảm chi phối ảnh hưởng đến kết quả chung, gây ra những tiêu cực như chúng ta thấy vừa qua”.

“Trước đó, khi Trường ĐH Luật TP.HCM được giao tổ chức thi ở Bến Tre nhưng trường vẫn quyết tâm chuyển toàn bộ bài thi về TP.HCM để chấm”, ông Hải cho hay.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ý kiến: “Chấm chéo và giao cho các địa phương thực hiện thì đã từng làm, sau đó không ổn nên đã thay đổi. Vì vậy chỉ có cách giao cho một số trường chấm, một trường ĐH có thể phụ trách một cụm gồm nhiều địa phương. Vì nếu mỗi trường ĐH phụ trách 1 tỉnh thì có quá nhiều trường tham gia và độ lệch điểm giữa các hội đồng chấm sẽ cao”.


Chú ý cả khâu cung cấp đáp án

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Trước khi kỳ thi này được giao về cho địa phương, các trường ĐH tự tổ chức thi và chấm thi. Khi đó là kỳ thi thật và tỷ lệ tốt nghiệp có nơi khá thấp”.

Từ đó, tiến sĩ Dũng đề xuất: “Để công bằng và minh bạch, việc làm cấp bách cho năm sau là nên giao cho các trường ĐH có kinh nghiệm coi và chấm thi”.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin-truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng nên tổ chức chấm chéo theo cụm hoặc để cho các trường ĐH chấm thi thì sẽ không bị ảnh hưởng của sức ép nhiều chiều như ở địa phương.

Đồng thời cũng cần phân công chéo lực lượng an ninh giám sát. Khi thi xong, Bộ GD-ĐT không cung cấp đáp án các môn thi mà chỉ cung cấp cho hội đồng thi sau khi đã quét xong dữ liệu và gửi đĩa gốc bài thi về cho Bộ. Đáp án chỉ cung cấp cho mọi người khi đã chấm xong và có điểm thi để thí sinh cùng xã hội kiểm tra lại đáp án và điểm thi.

“Theo tôi, giấy làm bài thi trắc nghiệm nên có phần để làm phách và trước khi chấm trắc nghiệm nên rọc phách toàn bộ giấy làm bài”, thạc sĩ Phùng Quán bổ sung.

Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận, chấm thi tự luận để tại địa phương nhưng tăng cường công tác giám sát ở khâu làm phách và chấm kiểm tra. Trường ĐH sẽ tham gia giám sát chặt chẽ khâu này.

“Nhưng chấm thi trắc nghiệm nên tập trung về các trường ĐH và nhiều tỉnh gom lại. Cách này những năm thi ba chung và năm 2015 đã thực hiện và không khó khăn gì”, thac sĩ Sơn nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.