Trong quyết định, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, đánh giá kết quả chuyển đổi số (gọi tắt là Hội đồng); Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng là Phó chủ tịch Hội đồng; 11 ủy viên Hội đồng là đại diện các đơn vị có liên quan và mời đại diện một số bộ, ngành có liên quan cùng một số chuyên gia lĩnh vực chuyển đổi số.
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm công tác chuyển đổi số năm 2024 của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã; thẩm định điểm tự chấm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và quyết định điểm đánh giá theo từng nội dung, chỉ số, chỉ số thành phần được quy định trong chỉ số chuyển đổi số đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng thời, Hội đồng trình UBND thành phố phê duyệt và công bố chỉ số chuyển đổi số năm 2024 của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
UBND thành phố giao Sở TT-TT tham mưu, tổ chức các cuộc họp của Hội đồng (hoặc xin ý kiến các ủy viên Hội đồng). Các ủy viên Hội đồng làm việc kiêm nhiệm, có trách nhiệm thẩm định kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình phụ trách, quản lý.
Mới đây, tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của UBND TP.Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội phải tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân số.
Theo Thủ tướng, một trong những điểm mới của chuyển đổi số cả nước trong 2 năm qua là Đề án 06. Chính phủ xác định đây là then chốt của chuyển đổi số quốc gia, thay đổi cách sống, cách tư duy, tiếp cận, phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống người dân.
Chính phủ cũng đã yêu cầu Hà Nội khẩn trương trình phê duyệt Quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Lưu ý một trong những nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, hướng tới xây dựng thủ đô là đô thị xanh, đáng sống; tạo hiệu ứng lan tỏa thủ đô với các vùng, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các địa phương khác.
Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân thủ đô có căn cước công dân, được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng "Công dân thủ đô số" - iHanoi, thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả khám chữa bệnh trước đó (khoảng 1,77 triệu dữ liệu sẵn sàng và tiếp tục cập nhật...).
Đặc biệt là việc thay đổi thói quen trong thực hiện giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn thay đổi trong nhận thức từ việc đến với cơ quan hành chính là "hành là chính" sang "cung cấp dịch vụ" thay đổi từ việc "phải đến trực tiếp" bằng "sử dụng công nghệ" để giải quyết các yêu cầu…
Bình luận (0)