“Remake” khác gì với đạo tranh?
Bức Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách bị cho là đạo tranh của họa sĩ Pháp Louis Treserras, trong khi họa sĩ này lại biện hộ rằng mình... “remake” tranh.
Remake tranh là việc sử dụng lại các tác phẩm tranh của người khác (chủ yếu của các họa sĩ bậc thầy) làm nguồn nguyên liệu chính, sáng tạo trên phương diện làm mới và có dấu ấn riêng của tác giả, hoàn toàn không phải là sao chép và bắt chước. Việc remake tranh của các họa sĩ bậc thầy đã được giới họa sĩ nhiều nước áp dụng và coi như sự kế thừa học hỏi.
Nhiều họa sĩ Việt cũng từng remake tài tình, tạo nên những tác phẩm sáng tạo riêng biệt, được giới mỹ thuật trong và ngoài nước công nhận. Chẳng hạn họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) có bức Thiếu nữ choàng khăn với hình mẫu phụ nữ VN trong tà áo dài truyền thống, được remake từ nguyên tác Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci; hoặc bức remake từ tranh gốc Nàng hầu Grande của danh họa người Pháp Jean Auguste Dominique Ingres (1780 - 1867) cũng tạo nên giá trị riêng. Họa sĩ Bùi Thanh Tâm là một trong những họa sĩ hiện đại remake tranh thành công, trong đó có bức Bà mẹ Việt Nam anh hùng (remake từ tranh Gothic) hay bức Bí ẩn chiến tranh VN remake từ Mona Lisa.
|
|
Tuy nhiên cần phân biệt rõ giữa việc vay mượn tư liệu sáng tác trong remake với chép và đạo tranh. Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ VH-TT-DL) cho biết: “Không cấm tranh chép nếu có thỏa thuận với tác giả bản gốc. Theo luật Sở hữu trí tuệ, nếu tác phẩm còn 50 năm bảo hộ tính từ sau khi tác giả qua đời và được phép sao chép thì vẫn được phép. Nếu không có được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm bản quyền”. Còn theo luật sư Hoàng Ngọc, Trưởng văn phòng luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự thì: “Nếu tác phẩm sao chép phần trọng yếu của tác phẩm gốc thì bị coi là vi phạm quyền tác giả”.
Trở lại trường hợp bức tranh Cô gái thỏ, luật sư Hoàng Ngọc đánh giá đây không phải là tranh remake mà là vi phạm bản quyền tác giả, nói cách khác là “đạo tranh”. Vì họa sĩ Louis Treserras (59 tuổi) hiện còn sống, tức là chưa hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, chưa kể phần trọng yếu của tác phẩm là cô gái khỏa thân đã được sao chép tới 80 - 90%, chỉ sửa lại ở phần gương mặt. Thế nên xét theo luật Sở hữu trí tuệ, bức Cô gái thỏ là vi phạm bản quyền.
Không ủng hộ tranh remake kiểu hời hợt
|
Tuy nhiên, một chủ phòng tranh (xin giấu tên) tại Q.5 (TP.HCM) khăng khăng nói: “Chúng tôi không hề chép tranh của họa sĩ đương đại, mà chỉ học tập những cái hay của mỗi người một ít”. Tuy nhiên với thể loại tranh “sáng tác” kiểu này thì không thể coi là tranh remake vì bố cục và cách thể hiện vẫn na ná tranh gốc, nhất là ý tưởng cũng không khác nhau.
Theo họa sĩ Bùi Thanh Tâm, hiện nay có nhiều tác phẩm hội họa VN tự cho là remake tranh của các họa sĩ đương đại, nhưng hiếm ai chịu xin phép tác giả gốc. Họa sĩ Trần Ngọc Bảy bức xúc nói: “Tôi rất khó chịu khi thấy các phòng tranh đã remake tranh của nhiều họa sĩ Việt, trong đó có cả tranh của tôi. Không nên khuyến khích phát triển xu hướng remake tranh kiểu thiếu chiều sâu, thiếu sáng tạo và hời hợt như vậy”.
Sàng lọc tác phẩm mỹ thuật vi phạm bản quyền
Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đã gửi công văn xin tập hợp ý kiến từ các cơ quan chức năng (Sở Văn hóa - Thể thao, Vụ Pháp chế, Cục Bản quyền tác giả, Hội Mỹ thuật...) nhằm thực hiện thông tư quy định tiêu chuẩn về giám định viên mỹ thuật. Theo đó, người giám định mỹ thuật sẽ có những quyền hạn và trách nhiệm cụ thể trong việc thẩm định tranh giả, tranh chép, tranh remake...; góp phần hạn chế nạn đạo, nhái và làm giả tranh. Ý kiến từ các cơ quan chuyên môn sẽ được gửi về cục trước ngày 20.9. |
Bình luận (0)