Trước đề xuất tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” để quản lý tốt hơn, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một bước tiến, phù hợp với sự phát triển của xã hội, bởi dù có muốn hay không thì mại dâm vẫn diễn ra. Khi quản lý được sẽ có lợi cho xã hội, giảm bớt tệ nạn.
Kiểm tra xử lý một quán karaoke “chui” có nữ tiếp viên phục vụ - Ảnh: công an cung cấp
|
Không muốn cũng nên làm
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (TP.Hà Nội) cho rằng không nên quá cổ hủ khi nhìn nhận vấn đề. “Tôi đồng ý nên gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vào một khu vực riêng để quản lý cho tốt. Làm được việc này trước hết lợi cho người bán dâm vì được khám sức khỏe định kỳ, hạn chế bệnh tật lây lan ra ngoài xã hội, quản lý được người ra, người vào khu vực này”, bà An nói.
|
Cũng theo bà An, về lâu về dài còn có thể tiến tới thu được thuế. Bà An chia sẻ: “Có thể ý kiến này sẽ gặp sự phản đối của nhiều người, nhất là các cụ già rất khó chấp nhận vì họ cho rằng không đúng với thuần phong mỹ tục. Xã hội và cộng đồng không ai muốn khuyến khích việc này xảy ra. Tuy nhiên, đây là vấn đề nảy sinh, tồn tại của xã hội, theo quy luật sẽ phải tiến tới như vậy. Tôi hoan nghênh Bộ LĐ-TB-XH đưa vấn đề này ra để lấy ý kiến”. Theo bà An, điều này cho thấy bộ này đã lắng nghe ý kiến của dư luận; xét đoán mọi chuyện liên quan đến con người để hoạch định chính sách. Trong thực tiễn làm luật, có những phức tạp, đa dạng chưa lường hết. Nếu cái gì chưa sát thực tế thì nên điều chỉnh sao cho thích hợp để luật có thể đi vào thực thi, mọi người đều chấp hành. “Đừng quá cổ hủ, chúng ta làm đúng nguyên tắc nhưng cũng phải dự báo được quy luật. Tôi cũng là phụ nữ, chúng tôi đều muốn có một cuộc sống trong lành, gia đình yên ổn, không có những người hành nghề bán dâm, không có những hiện tượng tiêu cực xảy ra, nhưng thực tế tất cả những điều đó đều khó thực hiện được. Ở xã hội nào, mại dâm cũng vẫn tồn tại. Trong lúc ta chưa triệt tiêu được thì nên gom lại còn hơn là để mại dâm hoạt động dấm dúi, rải rác khắp nơi không thể quản lý nổi. Khi đã quản lý được sẽ có lợi cho xã hội, giảm bớt tệ nạn”, bà An khẳng định.
TS Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về bình đẳng giới, cũng cho rằng đề xuất lập “phố nhạy cảm” là một cách nhìn cởi mở và tiến bộ. Bà Hồng cho biết: “Chúng ta chưa bàn đến chuyện đúng hay sai, mà phải xem xét khả năng của cơ quan ra quyết định thành lập có kiểm soát được hay không, có bảo vệ được quyền lợi cho những người yếu thế dù là nữ hay nam đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm hay không”. Theo bà Hồng, có nhiều lợi ích khi lập ra “phố nhạy cảm” như: bảo vệ sức khỏe, an toàn, tránh bị bóc lột cho những người hành nghề, tránh lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng. Tuy nhiên, bà Hồng cũng lưu ý cần xem xét khả năng quản lý của các cơ quan đến đâu và phải có trách nhiệm, nếu không, khi không quản được lại buông hoặc đổ lỗi. Khi đó, phố nhạy cảm sẽ biến tướng rất nguy hiểm.
“Định đúng bệnh để có cách chữa trị”
Ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND TP.HCM, cho rằng nếu xem mại dâm là một tệ nạn xã hội thì điều này đồng nghĩa với việc phải xác định tệ nạn ấy là “bệnh” gì để có cách “chữa trị”. Hiện nay hành lang pháp lý được xây dựng, chế tài theo hướng mại dâm là tệ nạn, do đó buộc phải cấm, xử phạt những cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn một thực tế là lệnh cấm không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Hoạt động này vẫn diễn ra trên thực tế. Chúng ta phòng chống nơi này thì “nó” chạy sang nơi khác. Người vi phạm bị phát hiện, bị phạt tiền nhưng sau đó họ lại tái phạm.
Theo ông Hùng, mại dâm là một tồn tại, một hiện tượng cụ thể của xã hội thì phải căn cứ vào bản chất của vấn đề để xử lý. Thực tế là không thể căn cứ vào cách nhìn nhận chủ quan để áp đặt, quản lý một hiện tượng xã hội cụ thể được. “Quản lý xã hội bằng pháp luật thì mình từng bước quản lý các hiện tượng xã hội cụ thể nó như thế nào, chứ không thể nói phòng chống chung chung. Nếu mình cứ duy ý chí, chủ quan thì không thể giải quyết được những hành vi được xem là tồn tại xã hội. Việc quản lý hoạt động mại dâm cần rạch ròi, cần có những tính toán cụ thể, khả thi và không nên chỉ kêu gọi chung chung”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên ở góc độ khác, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc dự án Loreal (thuộc Tập đoàn Loreal VN), từng hỗ trợ cho nhiều phụ nữ bán dâm học nghề tái hòa nhập cộng đồng, cho rằng không thể xem mại dâm là một nghề và cũng không nên tập trung các cơ sở nhạy cảm bởi nếu tập trung như vậy thì cũng được hiểu là công nhận mại dâm. “Người bán dâm thường hoạt động lén lút, nếu lập phố nhạy cảm công khai thì liệu những người hoạt động ngành nghề này có dám vào đây để hoạt động một cách công khai hay không?”, bà Trinh băn khoăn.
Theo bà Trinh, biện pháp căn cơ hơn để chống mại dâm vẫn là phải có biện pháp giáo dục ngay từ ghế nhà trường, làm sao để thay đổi nhận thức, giúp phụ nữ có được nhiều thông tin để tránh không đi vào con đường mại dâm, hoặc nếu đã “lỡ” sa chân vào thì cũng biết cách để tự thoát ra. “Có cấm nhưng nếu họ muốn và cố làm thì cũng không thể cấm được”, bà Trinh nói.
Cứ kiểm tra, xử lý hoài cũng không hết nổi
Trước đó, tại hội thảo giao ban phòng chống tệ nạn xã hội (ngày 21.8), ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết không phải tập trung một cách máy móc hết tất cả mà sẽ có cơ chế khuyến khích các cơ sở nhạy cảm vào khu vực quy hoạch như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh đúng pháp luật. “Những cơ sở bên ngoài không vào vẫn tiếp tục cho hoạt động, tuy nhiên sẽ kiểm tra chặt chẽ, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt thật nặng”, ông Quý nói.
Ông Quý cũng nêu hiện tại, TP.HCM có đến hơn 36.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Các cơ sở này lại nằm rải rác ở khắp nơi, khắp các ngõ ngách phố phường khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. “Lực lượng kiểm tra thì có hạn, chúng ta cứ kiểm tra, xử phạt chỗ này thì lại phát sinh chỗ khác, xử lý hoài cũng không hết nổi”, ông Quý nói. Cũng theo ông Quý, khi tập trung các cơ sở nhạy cảm lại, người làm việc cho các cơ sở sẽ được đảm bảo về quyền lợi và được pháp luật bảo vệ. Họ sẽ được hưởng lương, hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không lây lan bệnh tật cho cộng đồng, được bảo vệ khỏi bị bóc lột và đảm bảo an ninh trật tự.
|
Cấm hay cho phép đều có khu riêng
Một số quốc gia cấm mại dâm nhưng vẫn “quy hoạch” một số khu vực tập trung các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh hoạt động mại dâm như Pattaya (Thái Lan) hay Angeles (Philippines). Một số hướng dẫn viên người Thái cũng thường kể cho du khách nước ngoài tới Pattaya rằng chính phủ nước này muốn tập trung mọi hoạt động liên quan tới giải trí nhạy cảm và mại dâm diễn ra chỉ tại Pattaya để dễ quản lý và ngăn ngừa lan tràn. Vì thế, cảnh sát thường “mắt nhắm mắt mở” và chỉ can thiệp mỗi khi có sự cố. Ngay tại Bangkok, khách du lịch muốn vui chơi giải trí về đêm đều biết các khu tập trung quán bar, vũ trường, karaoke ôm, massage... như Patpong, Soy Cowboy, Nana Plaza...
Còn ở Singapore, nước hợp pháp hóa mại dâm kèm theo những điều luật vô cùng chặt chẽ, thì khu Geylang luôn rộn rã khi màn đêm xuống. Tại Hà Lan, nước hợp pháp hóa mại dâm từ giữa những năm 1800, các hội đồng thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy phép và tiến hành thanh tra các khu phố đèn đỏ để bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn, điều kiện làm việc...
Danh Toại
|
Bình luận (0)