Dù có ý kiến dè dặt và phản đối, nhưng hầu hết những người đã hoặc đang làm tiếp viên quán bar, massage, mại dâm... mà chúng tôi tiếp xúc vẫn nghiêng về phía ủng hộ đề xuất lập “phố nhạy cảm”.`
|
Sẽ không còn bị rượt bắt, bớt lây bệnh...
Ngoài việc phụ mẹ bán báo ở vỉa hè, Y.K (22 tuổi, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thỉnh thoảng ra “đứng đường” tìm khách. Giải thích cho việc bán dâm của mình và nhóm bạn từ nhiều năm nay, Y.K thổ lộ: “Ít có người nào ngay từ đầu muốn bước chân vô con đường này cả. Một số do gia đình đẩy đưa, một số để kiếm sống, một số là do... số phận. Lâu nay, chưa có ai hiểu chúng tôi trong cảnh đó tủi thân, mặc cảm như thế nào. Chúng tôi luôn bị xem là tệ nạn xã hội, là vết nhơ của xã hội”.
Trước thông tin về đề xuất lập khu vực dành riêng cho những người làm các công việc “nhạy cảm”, Y.K mừng rỡ: “Cái đó tôi rất đồng tình. Nó cho thấy xã hội còn quan tâm đến chúng tôi. Tôi mong muốn có được tấm thẻ hành nghề, để được khám chữa bệnh và nhất là những người mại dâm cũng được tôn trọng như những người làm nghề khác. Và khi người ta biết mình làm nghề gì rồi thì họ sẽ không còn soi mói đời tư của mình nữa”.
Trải qua nhiều năm làm gái mại dâm và bị nhiễm bệnh HIV/AIDS, chị N.T (tạm trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Những người bán dâm thường bị ma cô dắt mối ăn chặn tiền. Mình đi được 200.000 đồng/lần thì có khi bị tụi nó lấy mất gần phân nửa. Nếu mình không đưa thì bị nó đánh, không cho làm nữa. Vì vậy, tụi tui thường xuyên vay nóng với lãi suất rất cao”. Theo chị N.T, chị ủng hộ đề xuất trên và ao ước giá như nó trở thành hiện thực sớm hơn, có lẽ chị không bị nhiễm “căn bệnh thế kỷ”. Chị bộc bạch: “Tui thấy đưa vào một khu sẽ dễ quản lý hơn, dễ điều trị các bệnh xã hội đồng thời bớt lây lan bệnh cho cộng đồng. Lúc đó, những người có thẻ hành nghề không còn bị rượt đuổi, bị bắt đi bắt lại...”.
“Nếu họ lấy ý kiến, tôi xin đến phát biểu”
Không tỏ hẳn ra đồng tình hay phản đối, H.M (20 tuổi, hành nghề massage trong một cơ sở tư nhân tại TP.HCM) nói: “Tôi thường ít cho gia đình và mọi người biết công việc này của tôi. Vì vậy, có lẽ tôi sẽ rất ngại khi vào làm trong một khu tập trung. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng muốn được ai đó tư vấn các kiến thức phòng tránh những bệnh lây qua đường tình dục”.
Từng có thời gian làm tiếp viên quán bar ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Từ Thanh Thúy (23 tuổi, quê Cần Thơ) nhìn nhận nghề này rất “nhạy cảm”, có nhiều cạm bẫy bủa vây. Cho rằng đề xuất trên thể hiện thiện chí của những người quản lý, song Thanh Thúy bộc bạch: “Nếu tôi còn làm công việc này, tôi không muốn vào khu vực riêng như vậy. Bởi vì, tôi thích tự do, không muốn bị ràng buộc bởi một điều gì đó. Mặt khác, sống chung với những người cùng làm những nghề như mình, tôi sợ bị lây bệnh”.
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Tâm, tác giả cuốn hồi ký Tâm si-đa vượt lên cái chết và là một giáo dục viên đồng đẳng thường tiếp cận những người mại dâm, nghiện ma túy hoặc nhiễm HIV/AIDS, cũng lên tiếng: “Ai đưa ra ý tưởng này, tôi ủng hộ cả hai tay luôn. Nếu họ có tổ chức cuộc họp lấy ý kiến, tôi sẽ xin đến phát biểu”. Hỏi bà sẽ phát biểu những gì, bà Tâm cho hay: “Tôi sẽ nói là mại dâm không cấm được đâu, có cầu thì có cung. Nếu cấm riết, chúng nó hãm hiếp nhiều đứa con nít thì chết. Bao nhiêu năm nay, chính quyền dẹp chỗ này thì nó mọc chỗ khác, dẹp chỗ khác thì mọc chỗ khác nữa... Những người mại dâm bị rượt chạy vòng vòng và lây bệnh tùm lum nữa”.
Nên mạnh dạn thí điểm
Khi còn công tác tại trung tâm, tôi nhận thấy số gái mại dâm bị bắt vào trung tâm chỉ khoảng 200 người/năm. Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội bắt, phá các tụ điểm mại dâm lên tới hàng ngàn người. Những cô gái mại dâm vào trung tâm mà tôi tiếp xúc đa phần hoạt động chuyên nghiệp, tỷ lệ hoàn lương rất thấp. Cho nên, cần tạo môi trường cho họ hoạt động để bảo vệ họ. Điều quan trọng là khi không còn phải hoạt động lén lút, họ sẽ thoát khỏi nạn bảo kê. Tôi đã sang khu đèn đỏ ở Thái Lan. Ở đấy người ta có khu vực chữa bệnh cho người bán dâm với số lượng gần 700 phụ nữ. Những phụ nữ này định kỳ được đi khám, có bệnh phải chữa khỏi mới được cấp phép hành nghề.
Mình không muốn công nhận, nhưng thực tế cung cầu trên thị trường vẫn có, vì vậy nên mạnh dạn cho làm thí điểm. Việc chọn địa điểm nào, phương án nào, cơ quan chức năng sẽ phải tính đến vừa thí điểm vừa đánh giá rút kinh nghiệm. Cũng phải nói thật một điều, có những người có nhu cầu thực sự thì không thể triệt tiêu hay hạn chế. Cách tốt nhất là cho họ lối thoát. Đó mới là nhân văn. Cái gì không làm được thì không nên cố. Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ với đề xuất thí điểm “phố nhạy cảm”.
Bà Nguyễn Thị Phương
Nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 (Hà Nội) Thu Hằng (ghi)
|
Bình luận (0)