Lập quỹ để nhân rộng sáng tạo trong giáo dục

02/11/2018 17:24 GMT+7

Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) vừa được ra mắt với mục tiêu phát hiện và nhân rộng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong giáo dục phổ thông.

Chủ tịch Quỹ là ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; Giám đốc Quỹ là ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Ông Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: VIGEF là quỹ xã hội, phi chính phủ và không vì lợi nhuận, hoạt động trên toàn quốc theo cơ chế xã hội hóa, công khai, minh bạch về quản lý tài chính, nguồn tài trợ và đối tượng được hỗ trợ, hình thức, nội dung và kết quả hoạt động; chịu sự quản lý nhà nước về tổ chức bởi Bộ Nội vụ, quản lý về chuyên môn bởi Bộ Giáo dục - Đào tạo, quản lý về tài chính bởi Bộ Tài chính.
Quỹ xác định mục đích hoạt động là góp phần vào thành công và ngày càng hoàn thiện quá trình đổi mới giáo dục phổ thông bằng nguồn nhân lực và tài lực từ các nhà tài trợ xã hội trong và ngoài nước. Quỹ có tư cách pháp nhân độc lập, nhưng người thực hiện phải là các nhà khoa học giáo dục, các cán bộ quản lý giáo dục và các thầy cô giáo, trước hết là đội ngũ các nhà giáo, giáo viên cốt cán của các nhà trường phổ thông Việt Nam.
Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đã chính thức đi vào hoạt động Ảnh T.N
Ông Hiển khẳng định, hoạt động chính của Quỹ là phát hiện và nhân rộng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong giáo dục phổ thông. Với mỗi mô hình, sáng kiến, quy trình hoạt động của Quỹ thường gồm 5 nhóm hoạt động.
Thứ nhất, tìm kiếm, đánh giá những mô hình, sáng kiến tốt; tìm kiếm nguồn lực (kinh phí, nhân lực) để nhân rộng. Thứ hai, kết nối nơi xuất xứ và nơi nhân rộng. Thứ 3, chuyển giao - nhân rộng bằng hình thức chủ yếu là tập huấn để giới thiệu cho số đông, nhưng chỉ lựa chọn số ít đơn vị và cá nhân cốt cán làm nòng cốt để cùng nhau triển khai, cùng nhau trao đổi đổi rút kinh nghiệm trên thực tế. Thứ tư, giám sát, đánh giá quá trình và kết quả triển khai nhân rộng. Thứ năm, khuyến nghị chính sách, giải pháp đối với các cấp quản lý để hỗ trợ cho việc triển khai.
Ông Hiển cho rằng, chúng ta đang quan tâm triển khai đổi mới giáo dục từ trên xuống; chú trọng chỉ đạo và hướng dẫn, chưa coi trọng đúng mức việc tổ chức thực hiện, phát hiện và giải quyết các khó khăn phát sinh, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến từ các nhà trường.
Vì vậy, theo ông Hiển, cách làm của Quỹ sẽ là coi trọng cả 2 chiều đổi mới: từ dưới lên và từ trên xuống. Chiều từ trên xuống sẽ tăng cường sự hỗ trợ kịp thời của các chuyên gia; chiều từ dưới lên sẽ rất coi trọng vai trò và các hoạt động triển khai, cộng tác, trao đổi kinh nghiệm (cả thành công và chưa thành công) của các giáo viên, hiệu trưởng cốt cán. Gắn kết hai chiều bằng cả hình thức trực tiếp (gặp mặt) và gián tiếp (qua internet).
Ông Hiển nhấn mạnh, Quỹ chỉ phối hợp và hỗ trợ những hoạt động do chính các cơ quan quản lý giáo dục hoặc nhà trường tự nguyện đề xuất và chủ động khai thác, tổ chức các nguồn lực tại chỗ để triển khai thực hiện… Với tinh thần đó, Quỹ xác định giá trị chính của mình là “Hợp tác, tận tâm, truyền cảm hứng”.
Ông Hiển cũng bày tỏ mong muốn và đề nghị các Sở Giáo dục - Đào tạo, các nhà trường phổ thông trong cả nước hỗ trợ Quỹ bằng cách chủ động giới thiệu, đề xuất và tích cực triển khai các hoạt động áp dụng hoặc nhân rộng các mô hình, các cách làm hay, hiệu quả về đổi mới giáo dục phổ thông mà Quỹ tham gia hỗ trợ; tạo điều kiện để các giáo viên, hiệu trưởng tham gia tích cực vào mạng lưới hoạt động của Quỹ trong cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.