Bỏ thầu giá gạo thấp, giá lúa ĐBSCL rớt thảm
Ngày 31.1.2024, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố danh sách các đơn vị trúng thầu hợp đồng 500.000 tấn gạo 5% tấm, được chia thành 17 lô. VN có 7 doanh nghiệp (DN) trúng thầu 10/17 lô, tổng cộng 400.000 tấn. Với giá thắng thầu từ 648 - 660 USD/tấn (giá C&F, giao hàng tại cảng nhập), VN phải tốn thêm chi phí vận chuyển đến cảng của Indonesia khoảng 13 USD/tấn. Ngoài ra, nước này yêu cầu đóng gói theo từng bao 50 kg, phần chi phí bao bì, nhân công cho mỗi tấn hàng thêm khoảng 17 USD.
Như vậy, quy ra giá FOB (giao tại cảng xuất) như thông thường thì các hợp đồng bán gạo cho Indonesia kể trên chỉ còn giá 618 - 630 USD/tấn. "Đó là chưa tính đến các điều khoản phụ kèm theo như bảo hiểm, trả chậm và DN phải gánh lãi suất ngân hàng để có tiền thu mua nguyên liệu… Giá trúng thầu này so với giá lúa gạo thực tế chỉ có lỗ", một chuyên gia thị trường phân tích.
Phân tích này càng được củng cố khi cùng ngày 31.1.2024, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thông báo giá gạo xuất khẩu (FOB) gạo 5% tấm thấp nhất là 639 USD/tấn và cao nhất là 643 USD/tấn. Rõ ràng các DN thắng thầu nói trên đã ký hợp đồng với giá thấp hơn thực tế từ 13 - 25 USD/tấn. Các DN bị hớ hay vì lý do gì lại bán gạo với giá thấp là vấn đề mà nhiều người đặt ra khi thị trường lúa gạo liên tục được dự báo xu hướng tăng vì nhu cầu vẫn rất lớn.
Một chuyên gia trong ngành nói thẳng một số DN tin rằng họ có thể cùng nhau đẩy giá lúa gạo nội địa xuống thấp. Bởi vụ lúa đông xuân bắt đầu thu hoạch rộ từ giữa tháng 2, kéo dài trong tháng 3. Đây là vụ lúa lớn nhất trong năm, sản lượng hàng hóa lớn nên chỉ cần thu mua cầm chừng thì giá sẽ giảm. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Trong 2 tuần cuối tháng 2 vừa qua, giá lúa gạo nội địa liên tục giảm. Một số nông dân cho biết giá lúa chỉ còn 7.200 - 7.400 đồng/kg so với giá hơn 9.200 - 9.500 đồng/kg hồi cuối tháng 1.2024.
VFA cũng thông báo: Giá gạo xuất khẩu liên tục giảm trong những ngày cuối tháng 2, xuống 606 USD/tấn rồi 600 USD/tấn và đến ngày 1.3 chỉ còn 594 USD/tấn. Giá gạo của VN hiện tại thấp hơn Thái Lan 15 USD/tấn và Pakistan 12 USD/tấn, trong khi năm 2023 giá gạo VN có lúc cao hơn Thái Lan đến gần 100 USD/tấn.
Trong Chỉ thị số 10 ngày 2.3, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng DN chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các DN và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD I), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) phải đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường. Hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Chỉ thị cũng yêu cầu nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh.
CÓ TÌNH TRẠNG BẮT TAY "ĐẠP GIÁ" NÔNG SẢN
Đồng tình với việc nông sản VN cần có sàn giao dịch để minh bạch hóa thị trường, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại nông sản thừa nhận: Tình trạng bắt tay "đạp giá nông sản" để ép nông dân không phải chỉ trong ngành lúa gạo mà ở nhiều mặt hàng khác.
Từ Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho hay: Sau tết, giá gạo giảm nhanh và vào giữa tuần trước, gạo 5% tấm chỉ còn khoảng 595 USD/tấn. Nhưng sau đó báo chí thông tin về việc sản lượng gạo Ấn Độ tiếp tục thấp và Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn thì những ngày qua thị trường bắt đầu tăng trở lại. Giá gạo 5% tấm đã về mốc 600 USD/tấn.
Trước tình hình đó, nhiều DN bắt đầu đẩy mạnh thu mua; đặc biệt là các DN trúng thầu lớn ở Indonesia cũng như có hợp đồng thương mại với Philippines. Hiện tại giá lúa phổ biến khoảng 7.600 - 8.000 đồng/kg. "Giá lúa nên tăng thêm chút nữa mới phù hợp với công sức của nông dân bỏ ra. Vì hiện tại khô hạn kéo dài, sâu bệnh phát triển nhiều nên sản lượng năm nay cũng không bằng năm trước", ông Đôn nói và cho rằng sau Chỉ thị 10, các DN lớn cũng tăng cường thu mua, góp phần làm giá lúa gạo tăng. Đây là chỉ đạo rất kịp thời và sát với tình hình thực tế và thấu hiểu khó khăn của bà con nông dân.
Theo ông Đôn, chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa lực lượng thương lái vào chuỗi giá trị, gắn với bà con nông dân là rất phù hợp với đặc thù của ngành hàng lúa gạo vì bản thân các DN chỉ có thể làm việc tới các hợp tác xã. Thương lái là lực lượng lớn, họ có phương tiện và điều kiện tiếp cận từng hộ nông dân. Việc thành lập sàn, nếu có thể triển khai thực hiện một cách hiệu quả sẽ rất tốt và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng tham gia cũng như xóa mờ những góc khuất của thị trường.
Một thành viên trong Ban chấp hành VFA nói với Thanh Niên: Theo cân đối cung cầu của thế giới thì cầu vẫn lớn hơn cung khá cao, DN không cần vội bán rẻ gạo. So về nhu cầu, giá gạo (FOB) của VN năm nay sẽ duy trì trong khoảng 650 USD/tấn, thấp nhất cũng phải 630 USD/tấn. Để giữ được giá này, các DN phải đồng lòng với nhau tránh tình trạng cạnh tranh phá giá. Nếu DN thống nhất giá bán này thì mới đảm bảo giá thu mua lúa cho người nông dân trên 8.000 đồng/kg. Với giá mua - bán như vậy, lợi ích của DN và nông dân sẽ hài hòa.
"Mới đây, các DN Thái Lan cũng trúng thầu lớn từ Indonesia với giá tốt nhờ họ đoàn kết giữ giá vì lợi ích chung của chính DN. Hy vọng trong những gói thầu sắp tới, các DN VN cũng không phá giá lẫn nhau vì hiện tại thế chủ động vẫn trong tay nhà xuất khẩu. Hiện lượng gạo đã giao trong 2 tháng đầu năm và lượng hợp đồng thương mại mà DN VN đã ký khá lớn, trên 1 triệu tấn", vị này cho hay.
GẠO, CÀ PHÊ, TIÊU ĐỀU ĐỦ ĐIỀU KIỆN LẬP SÀN GIAO DỊCH
Thực tế, sàn giao dịch lúa gạo hay nông sản nói chung không phải ý tưởng mới. Từ năm 2009, khi Festival lúa gạo lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang, ý tưởng này đã được xúc tiến để tạo sự minh bạch cho thị trường, nông dân không còn cảnh được mùa mất giá vì bị thương lái ép. Giữa nông dân, thương lái, DN cũng không còn cảnh "lật kèo" kéo dài nhiều năm không dứt. Tuy nhiên, ý tưởng đó đến nay vẫn chưa được triển khai.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - một trong những người đầu tiên lập đề án xây dựng sở giao dịch hàng hóa, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ này. Đầu tiên là do các bên liên quan chưa thật sự muốn cho ra đời một sàn giao dịch như vậy. Ví dụ như mặt hàng gạo; dù chúng ta có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này nhưng thực tế chỉ có 5 - 7 DN nhà nước lớn chi phối nên không thực sự muốn mua bán qua sàn.
Thứ hai, muốn lập sàn giao dịch phải đầu tư trung tâm giao nhận quốc tế (tổng kho) vì dù thương mại trên sàn là các hợp đồng tương lai thì khi cần cũng phải có hàng giao ngay nhưng cơ sở hạ tầng của ta còn yếu. Yếu tố thứ ba là những người được nhà nước giao nhiệm vụ "xây dựng sàn" lại không quyết liệt. Chính phủ giao địa phương, địa phương giao về sở, ngành nhưng sở, ngành làm sao đủ sức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong số những nhà đầu tư tham gia thị trường ít người đủ tầm mà chỉ thích tham gia lướt sóng kiếm lời ở sàn giao dịch phái sinh....
"Cà phê, tiêu, gạo… của VN có sản lượng xuất khẩu lớn trên thế giới nhưng nông dân, các công ty chế biến luôn bất lợi về giá do thiếu sàn giao dịch. Cụ thể như trường hợp cà phê robusta, khi các đối tác nước ngoài không có hàng, họ buộc phải tìm đến sàn London. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê robusta giao sau trên sàn London tăng mạnh 300 - 400 USD/tấn trong tháng 9.2023", ông Hiển dẫn chứng và khẳng định để xây dựng sàn thành công, yếu tố đầu tiên là phải được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia để thu hút lực lượng đầu tư tài chính trong nước và quốc tế như trung tâm chứng khoán.
Sàn cũng là sự liên kết giữa thị trường giao ngay và thị trường giao sau, chính vì vậy cần phải có trung tâm giao nhận hàng hóa tập trung và kho ngoại quan. Ngoài ra, cần đào tạo nhân lực, hệ thống thông tin báo chí và các nhà tư vấn về kinh tế nông nghiệp và giao dịch hàng hóa nông sản đa dạng, độc lập để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, DN trong dự đoán giá cả, sản lượng, thị trường cũng như tư vấn đầu tư tài chính vào hàng hóa nông sản.
Theo TS Đinh Thế Hiển, hiện thế giới có trên 100 sở giao dịch hàng hóa, riêng châu Á có 46 sở và đa số lập sau năm 1990. Các sở giao dịch hàng hóa phát triển mạnh trên thế giới vì tạo ra sự cạnh tranh và công bằng; thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường, cung cấp thông tin cho người nông dân qua đó chống hiện tượng thương lái ép giá. Với VN, việc lập sàn giao dịch gạo nói riêng và nông sản nói chung là hết sức cần thiết vì sẽ giúp hàng hóa VN hòa nhập với xu hướng thương mại của thế giới. "Không chỉ lúa gạo mà cà phê, hạt tiêu VN với sản lượng lớn chi phối được thị trường hoàn toàn đủ điều kiện để lập sàn giao dịch riêng cho từng mặt hàng", TS Hiển nhấn mạnh.
Trách nhiệm của người đứng đầu hiệp hội, tổng công ty về giá gạo
Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam… phải có trách nhiệm tăng cường theo dõi, cập nhật, dự báo, cung cấp thông tin, diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa, gạo trong nước và thế giới tới các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp. Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và dự trữ lưu thông theo quy định.
Doanh nghiệp Philippines tìm tới Thương vụ để mua gạo VN
Năm 2023, Philippines nhập 3,5 triệu tấn gạo và năm 2024, quốc gia này sẽ không nhập thấp hơn con số nói trên. Cụ thể, nhiều dự đoán cho thấy Philippines sẽ nhập từ 3,6 - 3,9 triệu tấn, thậm chí là 4 triệu tấn gạo. Tháng 2 vừa qua, Philippines đã nhập 570.000 tấn gạo, trong đó nhập từ VN là 327.000 tấn, và với đà này thì đến cuối năm 2024, số lượng gạo mà Philippines nhập cũng sẽ vượt qua con số 3,5 triệu tấn, và có khả năng hướng đến 4 triệu tấn. Đây chính là cơ hội mà các DN VN có thể tận dụng để gia tăng kim ngạch. Giá gạo VN xuất sang Philippines có lúc đạt 650 USD/tấn. Gạo VN có phẩm cấp phù hợp với thu nhập trung bình của người dân Philippines và đã tạo ra thói quen tiêu dùng, thị hiếu của người dân ở đây. Trong năm qua, có nhiều trường hợp DN VN phải chấp nhận xuất khẩu gạo với giá không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vì giá gạo nguyên liệu trong nước tăng quá nhanh. Vấn đề nổi lên hiện nay là tỷ lệ sản xuất lúa của VN cũng đang thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng, tỷ lệ gạo phẩm cấp thấp đang dần bị giảm đi. Nhiều nhà nhập khẩu gạo tại Philippines đã liên hệ Thương vụ VN để tìm mua gạo giá rẻ phù hợp với thu nhập của người dân nhưng tìm không có hàng. Như vậy các DN và nông dân trồng lúa nên cân nhắc để đa dạng nguồn hàng hơn.
Ông Phùng Văn Thành (Tham tán thương mại VN tại Philippines)
Bình luận (0)