Việc UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho doanh nghiệp lấp sông không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân mà còn sẽ tạo tiền lệ xấu.
Trạm bơm nước cho Nhà máy xử lý nước Đồng Nai nằm ngay trong dự án đang có nguy cơ bị ô nhiễm khi ngày đêm chủ đầu tư san lấp đất, đá - Ảnh: Đình Sơn
|
Sẽ rất nguy hiểm...
Sáng 17.3, chúng tôi ghé vào dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát, rất nhiều người dân tỏ ra bất ngờ vì chỉ biết thông tin UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho doanh nghiệp (DN) lấp sông sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Lấp sông Đồng Nai làm dự án. Bà Ngọc, một hộ dân sống gần dự án (DA), cho biết bà nghe tỉnh quy hoạch DA chỉnh trang hơn 20 năm nay nhưng không thấy làm gì cả. Nay thấy máy xúc, máy ủi ngày đêm hoạt động ven sông bà cứ nghĩ nhà nước đang tiến hành làm bờ kè sông chứ không biết rằng tỉnh cho DN lấp sông. Điều khiến bà và người dân lo lắng nhất là trạm bơm nước cho Nhà máy nước Đồng Nai để xử lý nước sinh hoạt cho người dân của tỉnh nằm ngay trong DA. “DA ầm ầm san lấp như vậy chắc chắn sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và như vậy chất lượng nước sạch từ Nhà máy nước Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà Ngọc lo lắng.
|
Nhận xét về vụ việc này, ông Phạm Sanh, giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện nước ta chỉ mới có một số nơi như ở Rạch Giá - Kiên Giang, Nha Trang lấn biển để làm khu đô thị chứ chưa có nơi nào dám lấp sông. Bởi sông Đồng Nai, đặc biệt là ở đầu nguồn vẫn chưa ổn định khi thủy điện vẫn đang làm nhiều, rừng đang bị phá. Điều này sẽ làm thay đổi dòng chảy, mùa mưa thì lụt kinh khủng, nhưng mùa nắng không có nước. Ngoài ra, việc triển khai cả một khu đô thị đến hơn 8,4 ha trên sông sẽ rất nguy hiểm. Con sông khi bị thu hẹp chỗ này sẽ “phá” chỗ khác. Ông Sanh cảnh báo: “Giỡn” với sông nước thì không nên. Tôi khẳng định làm DA này chủ đầu tư sẽ “thắng” nhưng người dân sẽ “chết”.
Trao đổi với báo giới, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng khi chúng ta định bê tông hóa lòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy, hệ sinh vật và làm mất đi cơ chế tự bảo vệ, tự làm sạch của dòng sông. Quan ngại nữa là khi làm thay đổi dòng chảy sẽ làm xói lở bờ bên kia, đặc biệt nguy hiểm khi đây là khu dân cư đông đúc. Những điều này cần phải có dự báo và giải pháp khả thi. Đặt trường hợp khi hình thành lên các khu đô thị ven sông sẽ kéo theo cảnh quan, cộng đồng những người nghèo sống nhờ nguồn nước, nguồn lợi từ sông, sống bên sông... số phận của họ sẽ như thế nào, đi đâu? Xây dựng khu đô thị lớn trên sông sẽ rất dễ xảy ra sụt lún, đổ vỡ công trình, làm thay đổi sự cân bằng khu vực đó, dồn trọng tâm vào khu vực khác, gây đứt gãy địa chất. Không những thế, khi triển khai việc lấp sông đến 100 m thì việc ảnh hưởng đến dòng chảy khả năng tạo nút thắt trên sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa là đương nhiên.
Đằng sau thương vụ lấp sông?
Theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới sông ngòi VN, có một điều bất công đang diễn ra ở đây là việc người dân sống lâu đời bên hai bờ sông muốn làm nhà thì bị cấm đoán, còn DN thì được cấp phép lấp sông với diện tích cực lớn. Phát triển, chỉnh trang là cần thiết. Nhưng đụng chạm đến sông Đồng Nai là cực kỳ nguy hiểm khi nó là nguồn sống của gần 20 triệu dân.
“Người dân nói rất đúng, không thể vì lợi ích của một tập đoàn nào đó mà ưu ái cho họ lấp sông để cả xã hội phải gánh chịu hậu quả. Sông Đồng Nai chảy qua nhiều tỉnh, thành mà địa phương cuối cùng là TP.HCM. Chúng ta phải phát triển bền vững, phát triển cho tương lai, phải để lại cho con cháu nó ăn, chứ giờ ăn hết rồi con cháu ăn gì”, TS Tứ nhấn mạnh.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, người có hơn 20 năm trong ngành kiến trúc và quy hoạch cho biết, trong các DA mà ông làm quy hoạch, thiết kế ở ven sông, biển chính quyền bao giờ cũng dành đất để làm hành lang bảo vệ có khi đến 50 m. Đây là điều bắt buộc phải có và không một DA nào, nhất là DA thương mại có thể làm trên đó. Riêng ở Đồng Nai đang có một sự nhập nhèm và không công bằng trong thực hiện chính sách giữa người dân và DN. Khi yêu cầu người dân không được xâm phạm hành lang bảo vệ sông Đồng Nai thì chính sách này phải được áp dụng cho tất cả các đối tượng chứ không thể ưu ái cho ai. Nếu làm không tốt người dân sẽ dễ đặt câu hỏi liệu có sự mờ ám nào phía sau “thương vụ” này hay không.
Theo KTS Sơn, DA này ảnh hưởng toàn vùng vì lấn gần 80.000 m2. Dọc sông Đồng Nai có nhiều nhà máy nước cung cấp cho TP.HCM và Đồng Nai. Hiện sông Đồng Nai ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nếu làm DA sẽ gây ô nhiễm thêm nguồn nước, rất nguy hiểm. Do đó, TP.HCM cần cử chuyên gia nghiên cứu xem có ảnh hưởng như thế nào để lên tiếng. “Lấn sông làm đô thị thường không được khuyến khích. Cho làm sẽ tạo tiền lệ, các chủ đầu tư khác cũng đua nhau xin làm DA trên sông Đồng Nai sẽ ra sao. Bộ Xây dựng cũng đã có quy định về hành lang bảo vệ sông, rạch. Phần đất này không được xâm phạm cho bất cứ ai, kể cả DN”, KTS Sơn nói.
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai từ chối trả lời Theo hẹn, hôm qua chúng tôi sẽ có cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai để hỏi đáp về những vấn đề liên quan đến việc cấp phép cho DA lấn sông. Mặc dù câu hỏi đã được gửi đến ông từ ngày 13.3 và được ông đồng ý trả lời vào ngày 17.3 nhưng đến ngày hẹn ông này từ chối trả lời phỏng vấn vì cho rằng báo đã đăng bài không hợp lý (?). Tuy nhiên khi PV yêu cầu ông Lâm có những phản hồi cho rõ, trả lời những câu hỏi PV đã gửi trước đó thì ông từ chối trả lời. |
Bình luận (0)