Chim công xanh tại trang trại của anh Phúc |
DUY TÂN |
Linh hoạt chuyển đổi vật nuôi theo thị trường
Trang trại nuôi chim công của anh Phúc rộng 2.000 m2, hiện nuôi gần 200 chim công bố mẹ và công giống. Trước khi nuôi chim công, anh Phúc đã có nhiều năm nuôi gà sao, chim trĩ, gà Đông Tảo…
Nhờ nuôi chim công, anh Phúc có nguồn lợi nhuận "khủng" |
DUY TÂN |
“Từ năm 2008, tôi khởi nghiệp với nghề nuôi gà sao. Đến năm 2009, nhận thấy thị trường chim trĩ hút hàng, tôi nhanh chóng nhập nuôi và nhân đàn thành công, bán với với số lượng lớn. Năm 2010, tôi nuôi thêm gà Đông Tảo… Đến năm 2018, chim trĩ và các giống gà kiểng ngày càng phổ biến trên thị trường nên giá xuống thấp. Trong khi đó, chim công được nhiều người tìm mua về làm kiểng và phục vụ trong các khu du lịch nên hiếm hàng. Thế là tôi quyết định chi khoảng 200 triệu nhập gần 20 con chim công xanh Ấn Độ về nhân đàn”, anh Phúc kể.
Chim công xanh đang được giới chơi chim cảnh chọn mua |
DUY TÂN |
Theo anh Phúc, chim công có sức đề kháng tốt, thích nghi với môi trường nhân tạo nên dễ nuôi và ít tốn công chăm sóc. Chuồng nuôi có 2 dạng, nuôi quần thể và nuôi cặp sinh sản. Chuồng nuôi mỗi cặp công phải từ 6 - 10 m2, chiều cao 2 m để công dễ nhảy múa. Chuồng rào lưới B40, quây lưới xung quanh để tránh công bay mất. Trong chuồng cần bố trí nhiều cành cây để chim bay đậu cho thoải mái. Nền chuồng lót cát để hút ẩm, đảm bảo cho lông đuôi công không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển và tắm cát làm sạch lông.
“Hiện tôi nuôi chim trong 2 loại chuồng. Đối với chuồng nuôi quần thể, có thể thả nuôi trên 10 con trống, mái. Riêng chuồng sinh sản chỉ thả 1 cặp. Nuôi theo dạng này dễ theo dõi quá trình sinh sản và canh trứng để đem ấp”, anh Phúc cho biết.
Mỗi cặp chim công bố mẹ có giá trên 15 triệu đồng |
DUY TÂN |
Chim công ăn mỗi ngày 2 lần, chủ yếu là thức ăn công nghiệp, lúa, gạo và bổ sung thêm rau xanh như rau muống, lục bình. Công nuôi 2 năm có thể cho sinh sản, nhưng sang năm thứ 3 công mới sinh sản ổn định, tỷ lệ ấp nở cao. Chim công hầu hết đều cho sinh sản tự nhiên, chỉ chọn con đực giống tốt để ghép cặp cho sinh sản tốt, con giống đạt chất lượng. Mỗi năm, công thường đẻ vào mùa xuân và kéo dài suốt nhiều tháng. Mỗi lần đẻ hơn 30 trứng. Trứng được đem ấp máy với tỷ lệ nở từ 80 - 90%.
Sở hữu đàn công quý hiếm
Ngoài chim công Ấn Độ, anh Phúc còn nuôi và nhân đàn các loại chim công đột biến như: xám, trắng, hoa và ngũ sắc… Đặc biệt, chim công xám khá hiếm có nên giá hơn 100 triệu đồng/cặp. “Các loại chim đột biến phải được lai từ 2 giống công khác nhau. Như công trắng lai công xanh Ấn Độ thì cho ra công ngũ sắc… Hầu hết các loại đột biến đều được anh giữ lại giống để nhân đàn ra số lượng nhiều mới bắt đầu bán ra thị trường”, anh Phúc nói.
Công trắng đột biến cũng được nuôi nhân giống tại trang trại của anh Phúc |
DUY TÂN |
Ngoài chim công là chủ lực, anh Phúc còn sở hữu những giống gà, chim, vịt kiểng độc đáo như: vịt uyên ương, chim trĩ bảy màu, trĩ đỏ, gà Indonesia… Mỗi năm, anh Phúc xuất bán hàng trăm chim công và gà, vịt kiểng cho các khu du lịch, giới chơi chim cảnh... mua để nuôi kiểng, phối giống. Chim công 2 tháng tuổi giá 4 - 5 triệu/cặp, chim công bố mẹ trên 15 triệu đồng/cặp… Nhờ đó, anh Phúc thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng/năm.
Bình luận (0)