Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 6.3 vừa qua, một học sinh 13 tuổi ở tỉnh Hải Dương được cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, TP.Hà Nội trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê, thở máy. Trong đó có các vết thương rất nặng vùng mặt, chi do các mảnh vỡ của laptop găm vào. Một tuần sau khi vụ việc xảy ra, nam sinh không may mắn này đã qua đời.
Trước đó, đã từng có những vụ tai nạn thương tâm tương tự. Vì laptop phát nổ đã dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng cho học sinh, sinh viên trên cả nước. Từ đây, nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ laptop phát nổ, đồng thời mong muốn biết cách để hạn chế rủi ro.
Nhiều nguyên nhân
Theo anh Lý Hải Nguyên, phụ trách kỹ thuật tại Huy Hoàng Computer, hệ thống chuyên kinh doanh sản phẩm laptop ở tỉnh Quảng Ninh, cho biết mọi người thường chỉ nghĩ điện thoại có nguy cơ phát nổ, nhưng thực tế việc này cũng có thể xảy ra ở laptop, dù hiếm gặp.
"Nguyên nhân do người dùng chủ quan, vừa sạc pin vừa sử dụng laptop. Khi cùng lúc sạc và sử dụng ở hiệu năng cao, laptop sẽ tỏa nhiệt cao hơn. Pin sẽ sinh và hấp thụ nhiệt cao hơn mức bình thường. Nếu pin kém chất lượng, không đảm bảo nguồn gốc thì tiềm ẩn nguy cơ phát nổ", anh Nguyên nói.
Lý do khác dẫn đến laptop phát nổ, theo anh Nguyên đó là sử dụng sạc không chính hãng (từng thay sạc) dẫn đến điện áp đầu ra cao hơn, ổn áp đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều người dùng quên vệ sinh laptop định kỳ nên dẫn đến tình trạng bụi bám, khiến cơ chế tản nhiệt của laptop kém, cộng với nhiệt độ tỏa ra của pin có thể dẫn đến phát nổ.
Theo kỹ sư Ung Thanh Vũ, làm việc ở Công ty TNHH thiết bị điện Khang Thịnh, Q.1, TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến laptop phát nổ.
Chẳng hạn vô tình để nước đổ vào laptop gây chạm, chập mạch. Hoặc người dùng làm rơi laptop, các mạch bảo vệ không phát huy được tác dụng như ban đầu dẫn đến hiện tượng quá áp, quá tải, quá nhiệt. Hay để laptop hứng chịu ánh nắng gay gắt trong thời gian lâu. Cũng có thể vì khi sạc, đầu cắm tiếp xúc không tốt với ổ điện, bị lỏng, dẫn đến hiện tượng phóng điện…
"Nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến laptop phát nổ là do sử dụng linh kiện, phụ kiện không phải hàng chính hãng, không phù hợp. Hiện nay nhiều người sử dụng những linh kiện trôi nổi, sử dụng mạch điện tử không đúng thông số kỹ thuật, dễ dẫn đến hiện tượng đoản mạch, chập điện, phát nổ", anh Vũ cho hay.
Để giảm thiểu nguy cơ
Anh Trần Văn Hảo, phụ trách kỹ thuật ở hệ thống CIVIP Technology, đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ, tin học chính hãng tại tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã đến lúc người dùng cần lưu tâm vấn đề phát nổ của các thiết bị điện tử, trong đó có laptop.
Theo anh Hảo, nhiều người hiện nay thường sử dụng laptop trong suốt thời gian rất lâu để làm việc, chơi game, giải trí… hơn 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày nên thường vừa dùng vừa sạc pin. Điều này rất nguy hiểm, khiến laptop nóng bất thường và có thể dẫn đến cái kết là phát nổ.
"Nếu phát hiện laptop nóng hơn mọi ngày, pin có hiện tượng biến dạng, phồng lên bất thường, hoặc đang sử dụng thì máy tính bị tắt nguồn đột ngột, sạc pin không vào điện, pin xuống cấp nên nhanh hết… thì cần phải chú ý, nhanh chóng đem đến các cửa hàng laptop uy tín, trung tâm bảo hành chính hãng… để tìm hiểu nguyên nhân, thay thế pin mới, sửa chữa kịp thời", anh Hảo chia sẻ.
Theo kỹ sư Ung Thanh Vũ, người dùng cần thay đổi thói quen vừa sạc vừa sử dụng laptop. Có thể tháo rời pin và sạc laptop trực tiếp.
Ngoài ra, mỗi loại laptop sẽ có thông số kỹ thuật riêng, thích ứng với bộ sạc chính hãng đi kèm. Vì thế, tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm kém chất lượng và không tương đồng hiệu suất với laptop. Khi sử dụng laptop, cần đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, có bề mặt phẳng. Không nên để laptop trên nệm, gối… vì vô tình che kín các khe hút (làm mát máy, thổi ra hơi nóng) sẽ khiến khả năng tản nhiệt bị giảm.
"Có thể lắp đế tản nhiệt giúp laptop đỡ nóng. Cũng nên vệ sinh laptop định kỳ, có thể là 6 tháng/lần nếu làm việc trong môi trường nhiều bụi. Còn làm việc ở môi trường thông thoáng thì khoảng 1 năm/lần", anh Vũ chia sẻ thêm.
Anh Trần Văn Hảo thì khuyên khi không có nhu cầu sử dụng, cần tắt laptop. "Điều quan trọng nhất, khi thấy laptop nóng bất thường, phải nhanh chóng tắt máy chứ đừng tiếp tục sử dụng, nhằm tránh những hậu quả khó lường", anh Hảo nói.
Bình luận (0)