Chưa có đề án kế hoạch cụ thể, không có con số định lượng nhưng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội vẫn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện việc lát đá ở nhiều tuyến phố.
Phố Tạ Hiện đông đúc, là điểm đến của khách du lịch - Ảnh: Ngọc Thắng
|
“Có người hỏi ý kiến tôi về kế hoạch lát đá phố cổ. Tôi nói phải có đề án thì mới ý kiến được chứ”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính mở đầu phát biểu của mình. Ông là một trong những chuyên gia được mời tới dự buổi thông tin về các dự án tại phố cổ Hà Nội, do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chiều qua 17.8.
Ngay cả khi ông Tuấn Long, Trưởng ban quản lý phố cổ, đưa ra con số, chúng cũng chưa giúp người nghe hình dung được quy mô dự án. Chẳng hạn, ông Long cho biết dự án thí điểm lát đá cải tạo mặt tiền tại phố Tạ Hiện hồi năm 2011 chi hết 1,5 tỉ đồng cho 55 m dài. “Không ai tính diện tích cải tạo bằng mét dài cả, trừ khi có một khổ đá và tính bằng độ dài của khổ đá ấy. Còn ở đây, lát bằng gạch thì đương nhiên phải tính bằng mét vuông rồi”, một giảng viên Trường ĐH Xây dựng cho biết.
Nhưng có vẻ mét dài là con số duy nhất mà phía Ban Quản lý phố cổ Hà Nội có thể đưa ra để giúp hình dung về dự án. Theo đó, số đường cần lát đá là 2.200 m dài. “Nếu coi toàn bộ các phố cổ có bề ngang bằng nhau (so với trục Hàng Đào, phố Tạ Hiện hẹp hơn - NV), thì theo thời giá của năm 2011, số tiền chi cho lát đá sẽ vào khoảng 60 tỉ đồng. Còn vào thời điểm này con số sẽ lên đến trăm tỉ”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nhẩm tính.
Lát đá không phải cây gậy thần
Ban quản lý khá lạc quan về phố cổ sau khi lát đá. Trong cuộc họp, ban quản lý nhấn mạnh nhiều lần tới thành công của tuyến phố Tạ Hiện. “Trước khi lát đá, phường Hàng Buồm là nơi có tỷ lệ người không có việc làm lớn. Nhưng sau khi trở thành phố đi bộ, nhân lực này đã tham gia phục vụ tại phố cổ. Giá trị đóng góp cho người dân tốt hơn nhiều”, ông Long cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không khẳng định liệu có phải nhờ lát đá mà lượng khách du lịch tăng thêm. KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, nhìn vào trường hợp phố Cấm Chỉ sẽ thấy lát đá, lát gạch không phải cây gậy thần hút khách du lịch. Theo KTS Trần Huy Ánh, Cấm Chỉ là phố đi bộ ẩm thực thất bại. “Cấm Chỉ chỉ đơn giản là một phố bán hàng ăn, đời sống văn hóa của nó không có. Còn ở Tạ Hiện có không gian nhà truyền thống, âm nhạc, đồng bộ”, ông Thanh nói. Rõ ràng, lát đá không phải cây gậy thần tạo ra thành công của nó.
Bình luận (0)