Quan điểm trên có lý nhưng xem ra chưa thật thuyết phục. Theo chúng tôi bà tám có nguồn gốc từ chữ bát bà (八婆) trong tiếng Trung Quốc. Điều này đã được ghi nhận trên trang Bách khoa thư Baidu, còn trang Wiktionary tiếng Anh thì cho biết: bà tám là chữ sao phỏng (calque) từ hai chữ bát bà (八婆, baat3 po4) trong tiếng Quảng Đông, có nghĩa là người đàn bà cực kỳ nhiều chuyện ("a very talkative woman").
Ở Hồng Kông và bán đảo Triều Tiên, bát bà (八婆) là từ dùng để mô tả một cô con dâu lớn tuổi tọc mạch; còn ở Đài Loan, bát bà còn được gọi là tam bát (三八), một cách nói bóng gió chỉ ngày 8.3, tức ngày Quốc tế phụ nữ; ngoài ra, đây còn là từ chỉ người đàn bà tự cao tự đại.
Đối với người Trung Quốc, bát bà nói chung là trường thiệt phụ (长舌妇: mụ già lưỡi dài).
Nhìn chung, bát bà là từ có ý miệt thị, coi thường, không hoàn toàn giống với nghĩa là "người nhiều chuyện" như ở VN. Có lẽ, từ bà tám ở nước ta tương đồng với từ nhiêu thiệt (饒舌: người nhiều chuyện) của Trung Quốc hơn là từ bát bà.
Xét về từ nguyên, (八婆) không có nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay, có 2 giả thuyết giải thích từ này.
1. Chu Yên là người giúp việc trong gia đình thương gia Hà Đông. Người này thứ tám trong gia đình nên được gọi là bát bà. Chu Yên bán bí mật gia đình Hà Đông cho thương gia người Anh nên bị người đời cười chê, kể từ đó, cách gọi bát bà được dùng để chỉ người đàn bà "buôn chuyện".
2. Bát bà là từ dùng để chỉ 8 nghề nghiệp của phụ nữ thời xưa, đó là: môi nhân bà (bà mai mối); tiếp sinh bà (bà mụ đỡ đẻ); vãn diện bà (bà se chỉ làm đẹp mặt người); thung mễ bà (bà làm nghề giã gạo); tiển sam bà (bà giặt thuê); đảm đảm bà (bà gánh thuê, cửu vạn ngày nay); thực nãi bà (bà cho bú thuê, tức vú em); cô tử bà (bà đồng cốt, phù thủy).
Hiện nay, cách giải thích bà tám có nguồn gốc từ chữ bát bà (八婆) trong tiếng Quảng Đông xem ra hợp lý, tuy nhiên cần lưu ý rằng bát bà là cách nói khinh miệt, không giống cách dùng từ bà tám trong tiếng Việt. Khi người Trung Quốc sử dụng cụm từ bát bà nương (潑婆娘) thì càng tỏ ra khinh miệt hơn nữa, vì bát bà nương chính là "gái điếm", "người con gái xấu xa", hay "một người đàn bà dữ dằn" như trong tác phẩm Khốc Hàn Đình (酷寒亭) của Dương Hiển Chi đời nhà Nguyên.
Bình luận (0)