Nguyệt quới khác nguyệt quế
Hiện nay, nhiều người đã đánh đồng nguyệt quới với nguyệt quế; thậm chí có chủ vựa cây kiểng bán nguyệt quới nhưng lại gọi nó là “nguyệt quế”, đặc biệt là nhiều “nhà chuyên môn” đã biến nguyệt quới thành nguyệt quế một cách cực kỳ vô duyên. Chuyện này đầy rẫy trên mạng. Ảnh toàn là nguyệt quới mà lời lẽ thì:
- Nguyệt quế lá xoắn hoa chùm (ibonsais.com);
- Cần bán - Mình cần bán cây Nguyệt Quế lá xoắn bông chùm (muabansangnhuong.com);
- Cây hoa nguyệt quế mang lại thành công cho gia chủ (lazada.vn);
- Cây Nguyệt Quế - Đặc điểm sinh học của Cây Nguyệt Quế (ttgdtxninhthuan.edu.vn/);
- Cây Nguyệt Quế - Thông tin thú vị về cây, cách trồng, chăm sóc (canhdien.com); v.v và v.v...
Nhiều người có cái thói nói theo để tỏ ra mình cũng hiểu biết mà không có ý thức rằng mình đã nói sai. Chúng tôi đã nhiều lần phân biệt trên mặt báo rằng nguyệt quới và nguyệt quế là hai loài thực vật khác nhau. Nguyệt quới là một loài cây kiểng truyền thống ở Nam bộ, trước 1975 hầu như không thấy ở miền Bắc. Sau 1975, rồi nhất là sau khi có internet thì cái sai này càng ngày càng bành trướng.
Nguyệt quới có tên khoa học là Murraya paniculata, tiếng Trung là nguyệt quất [月橘], tiếng Pháp là buis de Chine hay bois jasmin, tiếng Anh là orange jasmine, orange jessamine, china box hoặc mock orange. Còn nguyệt quế thì tên khoa học là Laurus nobilis, tiếng Trung cũng là nguyệt quế [月桂], tiếng Pháp là laurier sauce, tiếng Anh là bay laurel, sweet bay, true laurel, Grecian laurel, hoặc đơn giản là laurel. Vòng nguyệt quế chính là làm bằng nhánh và lá của cây này. Thiết tưởng không nên lấy tên của nó để gọi cây nguyệt quới một cách vô ý thức.
U không có nghĩa là “lứa tuổi”
Trên mạng, ta có thể thấy nhan nhản những câu dùng U theo nghĩa là “lứa tuổi”: Những U.50, U.60, U.70 thích diện đồ như teen girl; Vén màn bí mật về tình dục tuổi U.50; Thời trang trung niên cao tuổi U.50 U.60; Nhiều quý bà U.50 - U.70 vẫn tìm đến PTTM để “hồi xuân”…
Đó là một cách dùng chưa chính xác. U là ký hiệu có ý nghĩa riêng của một số lĩnh vực nhưng liên quan đến tuổi tác thì nó không hề có nghĩa là “lứa tuổi”. Liên quan đến tuổi tác, U thường dùng trong thể thao, đặc biệt là môn bóng đá và là cách viết tắt của từ under, có nghĩa là “dưới”. U.17 là “dưới 17”, U.21 là “dưới 21”, U.23 là “dưới 23”. Trong kỳ SEA Games 31, Bảng A của môn bóng đá gồm có U.23 Việt Nam, U.23 Indonesia, U.23 Philippines, U.23 Myanmar và U.23 Timor Leste. Ban tổ chức cho phép mỗi đội có 3 cầu thủ trên 23. Ở đội Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang-seo đã gọi Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Hoàng Đức là 3 cầu thủ trên 23 tuổi vào. U.23 Việt Nam đã thắng Malaysia ở bán kết để vào chung kết với U.23 Thái Lan vào lúc 19 giờ ngày 22.5.2022.
Vậy xin chớ dùng U theo nghĩa là “lứa tuổi”.
Allah không phải là thánh
Allah không phải là thánh. Thế nhưng có rất nhiều người, kể cả các “nhà chuyên môn”, cứ gọi Ngài là thánh, ví dụ như: Người phụ nữ hét lên “Allahu akbar” (Thánh Allah vĩ đại) khi tấn công hai người trong siêu thị bằng dao; Tin tức, hình ảnh, video clip mới nhất về Thánh Allah vĩ đại…
Chúng tôi từng thấy trên Facebook một nữ giảng viên đại học cũng gọi Allah là thánh!
Không, Allah không phải là thánh. Ngài là Thượng đế, là Đấng Toàn Năng.
Bình luận (0)