Lắt léo chữ nghĩa: Cảo thơm, phong tình và sử xanh

24/08/2024 07:00 GMT+7

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: "Cảo thơm lần giở trước đèn, phong tình có lục còn truyền sử xanh" (c.7 và c.8). Ngày nay, những từ như "cảo thơm", "phong tình" và "sử xanh" ít được dùng nên nhiều người chưa hiểu rõ nghĩa của chúng.

Trước hết, xin bàn về từ cảo thơm (稿𦹳). Đây là từ thường được cho là dịch từ chữ phương cảo (芳稿) trong Hán ngữ. Phương (芳) là ký tự tượng hình, lần đầu được nhìn thấy bằng chữ Triện trên Tần giản, tức trên các thẻ tre đời nhà Tần thời Chiến Quốc; nghĩa gốc nói về hương thơm của hoa và cây ("Phương, thảo hương" (芳, 艸香) - Thuyết văn). Cảo (稿) có nghĩa gốc là rơm rạ (Sử Ký, Khuất Nguyên Giả Sinh liệt truyện), nghĩa hiện nay là bản thảo, bản viết tay hoặc tác phẩm. Trong chữ Nôm, cảo thơm (稿𦹳) có nghĩa là sách thơm, ngụ ý sách hay, sách quý.

Phong tình (風情) là chữ Nôm, đã được Nguyễn Du mượn nguyên từ chữ phong tình (風情) trong Hán ngữ theo phép giả tá. Trong Truyện Kiều (bản Liễu Văn Ðường, 1866), Nguyễn Quảng Tuân phiên là "Phong tình có lục" (風情固錄) và giải thích: "Có cái bản truyện phong tình còn lưu lại trong sử xanh". Đồng ý rằng chữ Nôm 固 đọc là "có", song theo chúng tôi, phiên là "cổ" sẽ hợp lý hơn, vì Nguyễn Du đã từng viết tác phẩm Phong tình cổ lục (風情古錄) bằng chữ Hán, có khả năng ông đã chuyển chữ Hán cổ (古) thành chữ Nôm 固 trong Truyện Kiều. Ngoài ra, khi chú giải Truyện Kiều (bản Kinh đời Tự Ðức, 1870), chính Nguyễn Quảng Tuân cũng đã phiên lại chữ 固 là cổ chứ không phải như trong bản Liễu Văn Đường. Điều này phù hợp với cách phiên "cổ lục" trong bản Quốc ngữ đầu tiên Kim Vân Kiều tân truyện (金雲翹新傳, 1897) của Edmond Nordemann.

Trong Hán ngữ, chữ phong tình (風情) có nguồn gốc từ Dữu Lượng truyện trong Tấn thư. Ngoài nghĩa "chuyện tình yêu nam nữ" hoặc "sắc dục, tình dục", phong tình còn nhiều nghĩa khác, đặc biệt dùng để chỉ phong thổ nhân tình (風土人情), một thành ngữ nói về môi trường tự nhiên độc đáo với các phong tục, nghi thức và thói quen của nơi nào đó.

Cuối cùng là thanh sử (青史). Thanh () là ký tự xuất hiện trên các bản khắc Kim văn thời Tây Chu, nghĩa gốc là màu xanh lam, sau đó mở rộng thành màu xanh lá và màu đen. Thanh còn dùng để chỉ thẻ tre, loại thẻ có viết chữ trên đó gọi là sát thanh (剎青), nếu dùng lửa hơ qua cho rút hết nước để khắc chữ thì gọi là hãn thanh (汗青). Vào thời cổ đại, trước khi phát minh ra giấy, người xưa khắc chữ lên thẻ tre, sau đó khâu các thẻ tre vào nhau thành hình dạng giống như chữ sách ().

Thanh còn là màu xanh của cật tre (lớp vỏ ngoài cùng của tre). Người xưa thường viết lịch sử lên thẻ tre nên loại thẻ này còn gọi là thanh sử (青史), một từ đồng nghĩa với sách lịch sử ngày nay, ví dụ: Chiêu bạch nhật, thùy thanh sử (Mặt trời chói chang soi sáng sử xanh) - Trường sinh điện. Truyện khái của Hồng Thăng (1645 - 1704) thời nhà Thanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.