Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes (Roma, 1651) có mục Chien (tức chiên - AC): “ovelha [cừu cái], cordeiro [cừu con], carneiro [cừu đực]: ovis [cừu và cừu hoang nói chung], agnus [cừu con], aries [cừu đực]. Chan chien (tức chăn chiên - AC): pastor de ovelhas [người chăn cừu]: pastor ovium [người chăn cừu]. Chien (tức chiên - AC): pano de laa [chăn len, mền len]: pannus laneus [chăn len, mền len]” (chữ nghiêng in đậm là tiếng Việt, chữ nghiêng in thường là lời dịch tiếng Bồ, chữ đứng có gạch chân là tiếng La tinh).
Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) giảng chiên “tức là con cừu”. Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng chiên là “đồ dệt bằng lông thú hoặc bằng xơ bông, thường dùng làm chăn, nệm: chăn chiên”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (1967) thì đầy đủ hơn: “Con cừu. Con chiên. Tín đồ Thiên Chúa giáo. Chăn chiên. Chăn dệt bằng lông cừu”.
Cứ như trên thì chiên có các nghĩa sau đây, diễn tiến theo từ nguyên: 1. Đồ dệt bằng lông cừu (nghĩa gốc); 2. Cừu; 3. Tín đồ Thiên Chúa giáo. Tất cả những chữ chiên trên đây trong tiếng Việt đều là những yếu tố Hán Việt mà chữ Hán là [氊], bắt đầu từ nghĩa gốc (nghĩa 1). Trong tiếng Hán thì chiên [氊] là “đạp, nhồi lông thành tấm, phiến” (nhụ mao thành phiếnb[蹂毛成片]), rồi hệ quả của hành động này là “dạ, nỉ” (felt), tức “[những] tấm do nhồi lông mà có được”. Đây cũng chính là nghĩa gốc của chiên trong tiếng Việt.
Nhưng diễn tiến ngữ nghĩa của chiên trong tiếng Việt còn đi xa hơn nên ta mới có thêm nghĩa 2 là “cừu”, tức “con vật mà lông được dùng để làm thành những tấm chiên” rồi vì chiên (cừu) thường được nuôi thành bầy, đàn nên ta còn có ẩn dụ con chiên ghẻ, dịch từ tiếng Pháp brebis galeuse, để chỉ “[một] cá nhân xấu gây tai tiếng cho tập thể”, tức hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Rồi trong tiếng Việt, chiên còn có thêm nghĩa thứ 3 là “tín đồ Thiên Chúa giáo” do ảnh hưởng của các khái niệm “[con] chiên”, “chăn [cừu]”, “người chăn” trong Kinh Thánh.
Hiện nay, chiên hầu như chỉ dùng để nói về Thiên Chúa giáo còn trong tiếng Việt toàn dân thì để chỉ con vật này, ta lại có danh từ cừu, một từ Hán Việt mà chữ Hán là [裘]. Có người đọc chữ này thành cầu (như Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển) nhưng nó lại thuộc vận mục vưu [尤], mà thiết âm trong Quảng vận là “cự cưu thiết” [巨鳩切]. Vậy c[ự] + [c]ưu = cừu. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức giảng cừu là “1. Áo lông mặc mùa rét;
2. Tên một loài thú, giống dê, có lông làm áo cừu được, nên mới gọi tên là con cừu”. Lời giảng này đã đồng thời cho ta biết luôn từ nguyên của cừu. Loài cừu còn có một cái tên nữa, cùng vần, là trừu, như đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức. Từ này đã có một thời thịnh hành tại Nam bộ trước 1954 nên cũng đã được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín. Nhưng trừu lại không phải là biến thể ngữ âm của cừu, mà bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [羜], có âm Hán Việt là trữ, có nghĩa là “cừu, cừu non năm [5] tháng”. Về tương quan Ư « ƯU giữa trữ và trừu, ta còn có một tiền lệ hiển nhiên là chữ trừ [儲] vẫn đọc thành trừu trong tên truyện Hoàng Trừu [皇儲]. Còn hiện tượng dấu ngã của trữ biến thành dấu huyền của trừu thì chỉ là chuyện hoàn toàn bình thường mà thôi.
Bình luận (0)