Chợ và phố là hai chữ xuất hiện trong quyển tự điển tiếng Việt đầu tiên, xuất bản năm 1895, đó là quyển Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của. Trong đó, chợ và phố được hiểu giống như nghĩa của chữ Nôm: chợ (助, 𢄂) là nơi tụ tập đông người để mua bán: "Sáng đi chợ sớm, chiều qua chợ chiều" (ca dao); còn phố (庯, 鋪) có nghĩa là đường lớn, hai bên có nhà, cửa hiệu và hàng quán: "Ai lên phố Ẻn cũng quên đường về" (Quốc phong thi tập hợp thái).
Như vậy, ngay từ đầu, chợ và phố đều liên quan đến việc "buôn bán". Lướt qua các từ điển tiếng Việt của Hồ Ngọc Đức, Nguyễn Như Ý, Thanh Nghị… ta đều thấy có định nghĩa tương tự.
Tuy nhiên, chỉ chợ mới có nghĩa duy nhất là "nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa", còn phố là từ đa nghĩa. Ngoài nghĩa trên, phố còn là "đường ở thành phố, thị trấn, dọc hai bên có nhà cửa" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1988, tr. 813); hoặc là "nhà" hay "dãy nhà nhiều căn dính liền để cho mướn" (Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, quyển hạ, tr. 1167).
Ngoài ra, còn những từ phố gốc Hán ngữ:
Phố (舖) có nghĩa gốc là "phần đế của vòng gõ cửa" (còn gọi là "phố thủ"); những nghĩa khác là "bày ra, trải ra"; "cửa hàng buôn bán": phạn phố (tiệm cơm); nhục phố (hàng thịt); "cái giường": Ki nhân bồng phát tọa đoạn sàng (Người tù tóc rối bù ngồi trên cái giường gãy) - Đằng tiên ca của Cao Bá Quát.
Phố (圃) có nghĩa ban đầu là "khu vườn trồng trái cây và rau, không có rào cản xung quanh", về sau có nghĩa là "vườn hoa" hoặc "nơi hoàng đế và giới quý tộc tận hưởng niềm vui giải trí".
Phố (浦) là "bến sông, cửa sông" (Thuyết văn); "bề mặt nước" (Đằng Vương cát tự); "sự hợp lưu của các sông và phụ lưu" (Chiến Quốc sách. Tần sách).
Bây giờ, xét về việc đổi tên "chợ vải Soái Kình Lâm" thành "phố vải Soái Kình Lâm". Nhiều người cho rằng không cần thiết phải đổi tên vì những lý do sau:
1. Cái tên "chợ vải Soái Kình Lâm" đã quá quen thuộc, đã đi vào tâm thức của người dân quận 5 nói riêng và TP.HCM nói chung. Cụm từ này đã xuất hiện nhiều lần trong sách báo khoảng vài chục năm gần đây. Chỉ có miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, mới sử dụng phổ biến từ phố (phố Hàng Mã, phố Hàng Bạc…); còn miền Nam, tiêu biểu là TP.HCM, chủ yếu dùng từ chợ (chợ Bến Thành, chợ Bình Tây…).
2. Thuật ngữ chợ chỉ có một nghĩa duy nhất là nơi buôn bán, còn phố thì quá nhiều nghĩa, dễ dẫn tới cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng từ phố trong "phố vải Soái Kình Lâm" không chỉ con đường mà là ô phố, gồm nhiều con đường trong một khu vực, kinh doanh cùng một mặt hàng. Nếu hiểu "phố" như thế thì thuật ngữ này chẳng khác gì phố Hàng Đào, phố Hàng Gà, phố Hàng Lược… như ở Hà Nội.
Hiện nay, tuy chợ vải ở quận 5 đã mở rộng 3 tuyến đường là Trần Hưng Đạo, Đỗ Ngọc Thạnh và Dương Tử Giang, tuy không còn gói gọn trong khu Thương xá Đồng Khánh, song không vì vậy mà cách gọi "chợ vải Soái Kình Lâm" trở nên lạc hậu. Những cách gọi như "phố trang trí" (đường Hải Thượng Lãn Ông); "phố lồng đèn" (đường Lương Nhữ Học); "phố ốc" (đường Vĩnh Khánh); "phố tranh" (đường Trần Phú)… thì chấp nhận được, vì đây là cách gọi dân gian; song thay đổi trên văn bản cách gọi cũ đã quá quen thuộc thành cách gọi mới thì cần cẩn trọng, đặc biệt là về phương ngữ và bản sắc văn hóa vùng miền.
Bình luận (0)