Huình-Tịnh Paulus Của và Lê Văn Đức đã đúng khi giảng chời là “có nhiều, dư ra”, như cũng đã được ghi nhận trong một số quyển từ điển khác. Hai vị cũng đúng khi viết rằng chời là kết quả phiên âm từ phương ngữ Triều Châu của tiếng Hán. Đây là một “đặc sản” từ vựng của miền Tây Nam bộ, nơi có nhiều người Triều Châu sinh sống, đặc biệt là tỉnh Bạc Liêu:
Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu.
(Tiều Châu là một cách gọi bình dân trong Nam thay cho Triều Châu). Miền Tây Nam bộ có một số từ gốc Triều Châu, như: chế (= chị), hia (= anh), tía (= cha)... Vậy chời có nghĩa là “nhiều” và đây là một từ Việt gốc Triều Châu.
Nhưng nói chời là âm Triều Châu của chữ đa [多] thì chưa đúng, vì ở đây ta có hai chữ [多] khác nhau, xin gọi là [多1] và
[多2]. Chữ [多1] là đa của tiếng Hán văn ngôn và tiếng Hán phổ thông hiện đại; chữ này không thể được đọc thành chời trong tiếng Triều Châu. Âm của nó trong phương ngữ này là to. Triều Châu âm tự điển của Đạt Phủ - Trương Liên Hàng (Quảng Đông Lữ du xuất bản xã, 1996) chú âm của nó là do1 (Ở đây, chữ “d” ghi âm /t/); còn Hán ngữ phương âm tự hội [汉语方音字汇] của Ngữ ngôn học giáo nghiên thất thuộc Bắc Kinh Đại học Trung Quốc ngữ ngôn văn học hệ (Ngữ văn xuất bản xã, 2003) thì ghi cho nó âm to. Tuyệt đối không có âm “chời”. Trên Facebook, bạn CgChg đã dẫn chứng về âm “chời” bằng cách dẫn ra một video nói tiếng Triều Châu. Đó là tiểu phẩm Suy gia phụ, bại gia tử, toàn tập [衰家父败家仔全集], có phụ đề chữ Hán. Bạn còn ghi rõ từ phút 3:09 đến 3:11, chữ đa
[多] được phát âm thành “chời”. Nhưng xin lưu ý bạn rằng đây không phải [多1] mà là [多2], tức là chữ [多] do phương ngữ Triều Châu mượn riêng để ghi âm “chời” mà chính người Triều Châu cũng không biết xuất xứ.
Về mặt văn tự học và từ nguyên học thì hiện tượng này không có gì khó hiểu. Nó cũng giống như bao nhiêu hiện tượng “Hán Nôm trùng tự”, mà trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải, Nguyễn Quang Hồng xếp vào loại B (chữ mượn Hán, lấy nghĩa, âm thuần Việt), như:
- đột [凸] đọc lồi; - tam [三] đọc ba; - điệp [蝶] đọc bướm;
- bì [皮] đọc da... Cũng như những chữ Nôm loại B này, chữ [多] trong tiểu phẩm kia chỉ là [多2] mà thôi chứ với
[多1] trong thư tịch chữ Hán “chính chủ” thì người Triều Châu vẫn phải đọc nó là to/ do1/ to. Bạn CgChg có đưa thêm hai dẫn chứng: “đa sự
[多事] đọc chời xừ (nhiều chuyện); kỷ đa tiền [幾多錢] đọc dị chời chí (bao nhiêu tiền)”, nhưng đây hiển nhiên chỉ là tiếng Triều Châu, không phải tiếng Hán văn ngôn và tiếng Hán phổ thông hiện đại. Vậy chời không phải là âm Triều Châu của chữ đa [多].
Bình luận (0)