Đây thực chất là một bảng từ vựng so sánh căn cứ vào sự na ná về mặt ngữ âm chứ không phải là dựa vào những luật tương ứng ngữ âm chặt chẽ. Vì vậy nó buộc ta phải suy nghĩ về nhiều trường hợp mà sau đây là vài ca điển hình.
1. kachua “(con) đầu lòng” ↔ (con) so (dấu ↔ là do chúng tôi thêm vào cho rõ - AC) .
Cũng thật là khó khi cho rằng kachua có thể cho ra so. Còn chúng tôi thì nghĩ rằng so là biến thể ngữ âm của sơ [初], có nghĩa là “ban đầu”. Con so là “con đầu lòng”; trứng gà so là “trứng do gà mái đẻ lứa đầu tiên”.
2. kamay “đàn bà, nữ, gái” ↔ (đàn ông) gà mái.
Trong trường hợp này thì ta thấy các tác giả đã không theo bất cứ một nguyên tắc nào cả. Trong tiếng Chăm thì kamay là một từ còn trong tiếng Việt thì gà mái đã là một danh ngữ mà danh từ gà là trung tâm còn mái là tính từ thêm nghĩa. Cả gà lẫn mái đều là những từ độc lập trong từ vựng và độc lập với nhau nên ta không biết nhờ phép lạ nào mà cả hai từ độc lập này lại bắt nguồn ở từ kamay của tiếng Chăm. Huống chi, theo cách ghi của hai tác giả ([đàn ông] gà mái) thì dứt khoát gà mái chỉ là một danh ngữ cấp 1, dùng làm ẩn dụ trong danh ngữ cấp 2 mặt gà mái, mà Việt-Nam tự-điển quyển Hạ của Lê Văn Đức giảng là “da mặt tái mét và có vẻ gian-xảo nhưng nhút-nhát”, còn Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín thì giảng là “mặt những người đàn ông, con trai nhưng lại không có dáng nam tính, chỉ có dáng nữ tính” (nghĩa 1) và “khuôn mặt thể hiện sự yếu đuối nhút nhát” (nghĩa 2). Ở đây gà mái là một ẩn dụ, nghĩa là được hiểu theo nghĩa bóng, trong khi quan hệ từ nguyên buộc nó phải được hiểu theo nghĩa gốc, nghĩa đen.
3. likay “đàn ông, nam, trai” ↔ (đàn bà) lại cái.
Chỉ có đàn ông mới “lại cái” còn đàn bà thì chỉ “lại đực” thôi chứ còn “lại cái” làm gì nữa.
4. muk “bà, mụ” ↔ mụ (Trung bộ).
Trước nhất, xin nói rằng Bắc bộ cũng dùng từ “mụ” và đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ
[姆], mà âm Hán Việt hiện hành là “mỗ”, có nghĩa là bà thầy dạy học, người vú nuôi. Chữ này cũng là đồng nguyên tự của chữ “mỗ” [姥], có nghĩa là phụ nữ có tuổi, tiếng gọi bà già. Cả hai chữ [姆] và [姥] đều được Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng ghi rõ rằng “cũng đọc là Mụ”. Đi xa hơn nữa thì ta sẽ thấy rằng cả hai chữ “mỗ” này còn là đồng nguyên tự của chữ “mẫu” [母] là mẹ nữa, như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển. Còn trong nam thì từ “mụ” cũng được dùng với nghĩa là “bà đỡ” nữa. Cứ như trên thì ta không có lý gì để khẳng định rằng mụ của tiếng Việt là do muk của tiếng Chăm mà ra.
Nói chung thì bảng so sánh đó có nhiều chỗ cần được xét lại.
Bình luận (0)