Quyển từ điển này có giảng kênh là “nâng một bên, một đầu vật nặng cho cao lên một chút” nhưng không thấy giảng công có nghĩa là gì, có lẽ vì mặc nhận rằng đây là một âm tiết vô nghĩa, chỉ dùng để láy lại cái “âm vang” của từ kênh mà thôi. Về mặt đương đại, các nhà biên soạn không giảng là đúng vì với con mắt và cái tai của người nói (speaker; sujet parlant) thì cái âm công chẳng có nghĩa lý gì ở đây cả.
Thực ra thì công vốn là một từ gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [扛], mà âm Hán Việt hiện hành là giang, có nghĩa là “khiêng; nâng lên, nhấc lên”. Chữ giang [扛] vốn thuộc thanh mẫu kiến [見], tức có phụ âm đầu [k], và vốn thuộc vận bộ đông [東], tức vần ông, nên âm gốc chính xác của nó tất nhiên phải là công. Đồng thời, đây là một chữ hình thanh mà thanh phù là công [工] nên âm của nó là công cũng là chuyện tất nhiên. Đây hiển nhiên đích thị là công trong công kênh và trong công kênh thì công vốn có nghĩa là “khiêng; nâng lên, nhấc lên”, chứ không phải một âm tiết láy, càng không phải là một âm tiết vô nghĩa. Như vậy là nó “cặp bồ” rất ăn ý với kênh để tạo nên một cấu trúc đẳng lập gồm hai từ đồng nghĩa. Xin nhớ rằng động từ công này vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam bộ nên đã được Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín ghi nhận và giảng là “mang vác, từ dùng có hàm ý đề cao khả năng của ai đó” (nghĩa 2).
Cồng kềnh được Từ điển tiếng Việt 2008 giảng là “[đồ vật] không gọn, choán nhiều chỗ và gây vướng víu”. Riêng kềnh được xác định là thuộc khẩu ngữ và được giảng là “to hơn rất nhiều so với đồng loại” còn cồng thì không được giảng có lẽ vì mặc nhận rằng đây là một âm tiết vô nghĩa, chỉ dùng để láy lại cái “âm vang” của từ kềnh mà thôi. Nhưng cồng cũng vốn là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [洪] mà âm Hán Việt hiện hành là hồng, có nghĩa là “to lớn”. Đây là một chữ hình thanh mà thanh phù là cộng [共], chỉ khác cồng trong cồng kềnh về thanh điệu mà thôi. Như vậy là, cũng như cặp công kênh, cồng lại “cặp bồ” rất êm với kềnh để tạo nên một cấu trúc đẳng lập gồm hai từ đồng nghĩa.
Những cặp đôi hoàn hảo trên đây bây giờ lại bị thượng đế của lời nói (speaker; sujet parlant) xếp vào hàng ngũ của những từ láy. Nhưng nhà Việt ngữ học thì, ngoài việc nối gót thượng đế, có lẽ phải có trách nhiệm tìm cho ra nghĩa của những từ cổ (đã bị mất nghĩa) để loại bớt nhiều từ bị cho là láy, và có khi còn phải cải chính rằng tiếng Việt không có hiện tượng tạo từ bằng “phương pháp láy” nữa cũng nên.
Bình luận (0)