Lắt léo chữ nghĩa: Cưỡi ngựa xem hoa

09/03/2024 07:02 GMT+7

Từ nửa đầu thế kỷ 20, thành ngữ "Cưỡi ngựa xem hoa" đã xuất hiện trong văn bản tiếng Việt, nghĩa gốc của cụm từ này hoàn toàn khác hẳn cách hiểu ngày nay.

Cưỡi ngựa xem hoa được dịch từ thành ngữ Tẩu mã quan hoa (走馬觀花) trong Hán ngữ. "Tẩu mã" là đi ngựa, người Việt dịch là cưỡi ngựa (đi) . "Quan hoa" là xem, ngắm hoa. Đây là thành ngữ xuất phát từ bài Đăng khoa hậu (登科後: Sau khi thi đậu) của Mạnh Giao (751 - 814) - một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường. Mạnh Giao từng thi rớt 2 lần, đến năm Trinh Nguyên thứ mười hai (796) ông mới đậu tiến sĩ, lúc đó ông 46 tuổi.

Hai câu cuối của bài Đăng khoa hậu chính là nguồn gốc sớm nhất của thành ngữ "Cưỡi ngựa xem hoa": "Xuân phong đắc ý mã đề tật, Nhất nhật khán tận Trường An hoa" (春風得意馬蹄疾, 一日看盡長安花), nghĩa là "Vui sướng lên lưng ngựa phóng đi trong gió xuân; ngắm nhìn tất cả hoa ở Trường An trong một ngày". Hai câu này diễn tả tâm trạng hạnh phúc, hãnh diện của Mạnh Giao khi ông biết tin mình thi đậu, ông đã cùng dòng người ra đường ngắm cảnh mùa xuân ở kinh đô Trường An. Xin lưu ý, "Trường An" mới là bối cảnh liên quan với thành ngữ này chứ không phải "vườn thượng uyển" như cách giải thích của Tổng tập văn học Việt Nam: "Cưỡi ngựa xem hoa: chỉ cái vinh dự của người đậu đại khoa được cưỡi ngựa xem hoa ở trong vườn Thượng uyển" (NXB Khoa học Xã hội (1997), tập 13, phần 1. tr. 306).

Song, 2 câu thơ cuối của bài Đăng khoa hậu chỉ nêu khái quát việc cưỡi ngựa xem hoa, đến bài Tam báo ân (三報恩) của Tất Ngụy đời nhà Minh mới cho thấy cách diễn đạt cô đọng của thành ngữ này: "Tràng trung khán văn, tẩu mã quan hoa" (Ở trường đọc văn, cưỡi ngựa xem hoa). Ngoài ra, cũng cần nhắc đến câu: "Dã bất quá tẩu mã quan hoa" trong chương 23 của Nhi nữ anh hùng truyện của Văn Khang thời nhà Thanh. Nhi nữ anh hùng truyện được xem là quyển tiểu thuyết xã hội sớm nhất trong lịch sử tiểu thuyết của Trung Quốc, kết hợp tinh thần hiệp sĩ và lãng mạn.

Ngày nay, Cưỡi ngựa xem hoa hay Tẩu mã quan hoa đều là thành ngữ dùng để chỉ việc làm qua loa, đại khái chứ không đi sâu vào chi tiết (việc mà đáng lẽ cần phải làm kỹ, cẩn thận hơn). Hai thành ngữ này được xem là đồng nghĩa với hai thành ngữ khác của Trung Quốc, đó là:

- Phù quang lược ảnh (浮光掠影): ánh sáng trên mặt nước giống như cái bóng lướt qua, biến mất ngay, không để lại ấn tượng gì. Thành ngữ này ám chỉ mọi thứ trên thế gian đều phù du, khó nắm bắt; hoặc nói về một bài viết sơ lược, thiếu kiến thức thực tế. Phù quang lược ảnh có nguồn gốc từ bài thơ Lâm cao đài (高台) của Trử Lượng, nằm trong tập 32 của bộ Toàn Đường thi (全唐) thời nhà Đường.

- Tinh đình điểm thủy (蜻蜓点水) là chuồn chuồn chạm nhẹ vào mặt nước, ám chỉ việc làm hời hợt, thoáng qua. Thành ngữ này còn dùng để diễn tả một nụ hôn nhẹ nhàng. Tinh đình điểm thủy xuất phát từ bài Khúc giang (曲江) của Đỗ Phủ: "Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện, Điểm thủy tinh đình khoản khoản phi" (Những con bươm bướm ẩn sâu trong hoa hiện ra, những con chuồn chuồn chầm chậm bay, thỉnh thoảng chạm nước).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.